Nhà văn Võ Thu Hương (phải) trong một lần trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Thu Nguyệt tại nhà riêng của bà - Ảnh: D.K.T.
Các tranh luận những ngày qua xung quanh việc nhà văn Hữu Mai có nên được coi là đồng tác giả với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không, khi ông chỉ là người chấp bút bộ hồi ký của Đại tướng, là một sự việc đáng chú ý bởi nó không chỉ là một sự kiện cá biệt.
Công việc phổ biến, hợp pháp
Chấp bút, hay viết thuê, là một việc rất phổ biến và hoàn toàn hợp pháp ở nhiều nước trên thế giới.
Người chấp bút trong tiếng Anh là "ghostwriter" - tức một người viết một cuốn sách, một bài báo hay một nội dung nào đó tương tự cho người khác để nội dung ấy sau đó được phát hành dưới tên của người đã thuê họ theo những thỏa thuận giữa hai bên.
Theo chia sẻ của nhà văn Mỹ Lawrence Watt-Evans với các độc giả của chuyên trang hỏi đáp Quora, người chấp bút không có quyền gì với tác phẩm sau khi đã được trả tiền đầy đủ. "Điều này cần được nói rõ ràng trong hợp đồng" - ông Lawrence Watt-Evans nhấn mạnh.
Theo trang The Urban Writers, Writers Anda Authors và nhiều trang web khác bàn về bản quyền chấp bút, trong gần như mọi trường hợp, bản quyền của một cuốn sách được chấp bút sẽ thuộc về bên đặt hàng và người chấp bút sẽ không thể tuyên bố họ sở hữu bản quyền với bất cứ nội dung nào trong đó.
Tuy nhiên, không có gì đúng 100%. Tranh chấp bản quyền sẽ xảy ra khi hợp đồng viết không rõ ràng các điều khoản hoặc giữa hai bên không có hợp đồng nào.
Và thông điệp ngắn gọn gần như luôn được lặp lại trong các chỉ dẫn về mối quan hệ giữa người thuê và người chấp bút là hãy nói thật rõ ràng các thỏa thuận về quyền tác giả của cuốn sách trong hợp đồng.
"Nếu không có hợp đồng bằng văn bản thì a) hoặc một ai đó sẽ gây rắc rối nghiêm trọng, hoặc b) người chấp bút sẽ sở hữu tác phẩm vì nếu không có hợp đồng, theo Luật bản quyền 1976 (của Mỹ - PV), đó không phải là công việc làm thuê.
Điều này không tốt cho tất cả những người liên quan, kể cả người chấp bút, vì lúc này người đó có thể sở hữu một tác phẩm mà họ không thể bán hợp pháp vì nó gồm những tư liệu thuộc sở hữu của người đã thuê họ viết. Hãy đảm bảo bạn có một hợp đồng rõ ràng", nhà văn Lawrence Watt-Evans giải thích.
Và cũng như nhiều ý kiến khác, trong điều kiện giả định tác phẩm đã được hoàn thành với một hợp đồng chuẩn, mọi bản quyền của tác phẩm đó sẽ thuộc về bên thuê viết.
Xử bằng tình được không?
Nhà văn Võ Diệu Thanh (An Giang) từng gặp chuyện không vui trong lần chị nhận viết hồi ký cho một nhân vật nổi tiếng. Chị phải nhiều lần xuôi ngược giữa An Giang - Sài Gòn, tới gặp nhân vật và những người liên quan để trò chuyện, ghi chép tư liệu.
Hợp đồng ghi rõ chị và nhân vật sẽ cùng đứng tên sau khi sách ra. Thế nhưng khi sách hoàn thành, nhân vật nói họ phải đọc lại, chỉnh sửa rồi viết thêm một số đoạn nên sách phải để tên một mình người này thôi chứ không thể để đồng tác giả. Ngày ra mắt sách, nhân vật cũng chỉ cảm ơn chung chung nhóm những người đã giúp viết tự truyện.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhà văn Võ Diệu Thanh nói chị không muốn nhắc đích danh tên nhân vật vì họ cũng lớn tuổi rồi, chuyện cũng đã qua và "phiền hà cũng quên rồi", "mình không phải bị lừa, mà bị kêu gọi từ tâm".
Nhà văn Võ Thu Hương (TP.HCM) từng ký hợp đồng với nhà xuất bản để viết hồi ký cho một nhân chứng lịch sử tên tuổi.
Cả hai đã có những thỏa thuận cụ thể về mức nhuận bút cũng như cách ghi tên trên sách: tên của nhân vật thật to, còn tên người chấp bút thật nhỏ phía dưới. Tuy nhiên, nhà văn chấp nhận bỏ ngang bản thảo không in thành sách vì không đồng thuận về quan điểm ở một số tình tiết.
Đó chỉ là một trong vài vấn đề khiến hai bên không thể có được tiếng nói chung để ra mắt tác phẩm. Dĩ nhiên không phải lúc nào mối quan hệ giữa các "ghostwriter" và nhân vật cũng có những lấn cấn.
Như với Võ Thu Hương, sau nhiều năm ra mắt cuốn truyện ký Nụ cười chim sắt với nguyên mẫu nhân vật là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Thu Nguyệt, Hương vẫn thi thoảng được cô Nguyệt gọi tới nhà chơi để cho một món quà nho nhỏ nào đó, khi là ít trái cây, khi là một món quà quê, chỉ vì tình thương mến.
Người phụ nữ từng tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa không muốn để tên mình là đồng tác giả. Dù vậy, đọc Nụ cười chim sắt, ai cũng biết sách kể chuyện về nữ anh hùng có biệt danh "Chim sắt" của lực lượng biệt động Sài Gòn.
"Của cả hai người, của nhân dân"
Một cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà văn Hữu Mai thể hiện, được một NXB nước ngoài xuất bản năm 2003 - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong khi câu chuyện phân định bản quyền bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tuổi Trẻ ngày 28 và 29-3) gần như đang "bế tắc" thì mới đây, trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Hồng Phương - con trai của nhà văn Phạm Chí Nhân (người thể hiện một cuốn sách trong bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cuốn Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng) - đã có văn bản gửi tới NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật để hỏi việc kể từ năm 2005 khi tác giả Phạm Chí Nhân qua đời thì gia đình không hề nhận được tiền nhuận bút cho cuốn sách này mà NXB này đã in vài lần.
Ông Phương cũng phản ảnh việc trong một lần xuất bản thì dòng chữ "Phạm Chí Nhân thể hiện" đã không được để ở bìa 1 như các lần khác.
Về việc này, đại diện NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật nói NXB đã nhận được văn bản của ông Phương và đang cho rà soát lại.
Một ủy viên hội đồng biên tập xuất bản của NXB này cho biết từ trước tới nay mỗi lần xuất bản cuốn hồi ký này thì NXB chỉ làm việc duy nhất với văn phòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và toàn bộ nhuận bút cũng trả cho gia đình Đại tướng.
Việc gia đình Đại tướng chia cho những người thể hiện thế nào thì NXB không được biết. Việc một lần dòng chữ "Phạm Chí Nhân thể hiện" không được đưa ra trang bìa thì ông cho rằng đó là sơ suất trong quá trình xuất bản.
Trở lại câu chuyện không thống nhất về bản quyền tác giả giữa hai gia đình với bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định bộ sách "của cả hai và của nhân dân".
"Cuốn ấy có cả nghệ thuật văn chương của nhà văn Hữu Mai, chứ không phải ông chỉ làm công việc thuần túy của một anh thư ký. Nếu là nhà văn khác sẽ viết khác" - ông Quốc nói. Tuy vậy, ông cũng khẳng định dùng từ "đồng tác giả" là không nên.
Bởi hai người ở hai vị thế khác nhau: Đại tướng là tác giả của câu chuyện và ý tưởng, nhà văn Hữu Mai chỉ thể hiện những ý tưởng đó. Ông Quốc nói phải công nhận bộ hồi ký là của cả hai và lớn hơn là của nhân dân, bởi nó là lịch sử một giai đoạn đặc biệt của đất nước chứ không chỉ là văn chương thuần túy.
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cũng khẳng định nhà văn Hữu Mai vẫn là người có công cùng sáng tạo nên bộ hồi ký và hai bên nên ngồi lại với nhau.
THIÊN ĐIỂU
TTO - Bạn đọc đang mong đợi câu chuyện bản quyền Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giải quyết hợp tình hợp lý để bộ sách có giá trị lịch sử đất nước này tiếp tục đến được tay bạn đọc các thế hệ tiếp theo.
Xem thêm: mth.69793918013301202-hnit-av-yl-auc-neyuhc-aig-cat-gnod-iac-hnart/nv.ertiout