Trong tổng số 26/26 phiếu đồng ý thông qua Quy hoạch Điện VIII, có 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án, trong đó có nhiều ý kiến về phát triển năng lượng tái tạo, kịch bản phụ tải điện...
Đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho Lao Động biết, ngày 18.3 đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Hội đồng thẩm định thống nhất kết luận Quy hoạch đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tại cuộc họp, có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án.
Trong đó, có nhiều kiến nghị của các bộ ban ngành, tổ chức, chuyên gia độc lập được đơn vị soạn thảo, tư vấn tiếp thu ý kiến và sẽ bổ sung, chỉnh sửa trước khi trình Thủ tướng.
Đại diện Ngân hàng nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị, theo dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.
Nhất là giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển nhanh, nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia... Các đơn vị này đề nghị đơn vị tư vấn rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045.
Ý kiến này được đơn vị tư vấn tiếp thu, đồng thời nêu quan điểm "sẽ bổ sung theo hướng phát triển có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế".
Theo dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII, trong giai đoạn đến năm 2030, tỉ lệ dự phòng thô của hệ thống điện tương đối cao, khoảng 70% năm 2025 và 60% năm 2030; điều này dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện than và khí sẽ có Tmax (số giờ vận hành) hàng năm thấp, có thể phải cắt giảm công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại một số thời điểm.
Chính vì vậy, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp ý cần xem xét, đánh giá kỹ vấn đề nêu trên để có đề xuất phát triển nguồn điện phù hợp và sớm có kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước.
Đơn vị tư vấn cũng tiếp thu ý kiến này và cho biết đã và đang xem xét các vấn đề nêu ra. "Các nguồn điện gió, mặt trời không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết nên thường sẽ không tính tới trong dự phòng công suất của hệ thống điện.
Nếu không tính công suất của điện gió, mặt trời thì dự phòng của hệ thống điện trong các năm 2025, 2030 là 24% và 16,1% đối với phụ tải cơ sở và 21% và 14,7% đối với phụ tải cao, đây là các con số phù hợp", đơn vị tư vấn cho biết.
Bổ sung nhiều ý kiến góp ý
Đơn vị tư vấn cũng đã bổ sung, cập nhật văn bản số 7860/EVN-KH ngày 4.12,2020 về mua điện Lào - theo ý kiến góp ý của EVN.
Một chuyên gia năng lượng góp ý cần làm rõ cơ sở để xây dựng Quy hoạch Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
Đơn vị tư vấn cho biết sẽ tiếp thu và bổ sung các tiêu chí yêu cầu để hạn chế vi phạm đất rừng được nêu tại Quy hoạch Điện VIII.
Ông Phạm Hoàng Lương góp ý các kịch bản phát triển nguồn điện mới chỉ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện theo kịch bản cơ sở, chứ chưa xét đến 2 kịch bản khác là nhu cầu phụ tải cao và nhu cầu phụ tải thấp.
"Sẽ bổ sung thêm kết quả cân đối nguồn điện của kịch bản phụ tải thấp như góp ý của chuyên gia", đơn vị tư vấn khẳng định.