Từ tối 30-3, mạng xã hội xuất hiện thông tin ca sĩ Nathan Lee đã đăng ký độc quyền thương hiệu “Cao Thái Sơn” khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Cụ thể, trên diễn đàn chuyên bàn luận về showbiz Việt cho biết phía ca sĩ Nathan Lee đã đăng ký độc quyền thương hiệu mang tên Cao Thái Sơn cho rất nhiều lĩnh vực hoạt động. Thông tin này nhanh chóng trở thành câu chuyện được cư dân mạng bàn tán xôn xao.
Ngày 31-3, ca sĩ Nathan Lee xác nhận với Pháp Luật TP.HCM rằng anh đã đăng ký độc quyền thương hiệu “Cao Thái Sơn”.“Tôi đã đăng ký. Nhưng đó không phải là tên duy nhất tôi đăng ký” - Nathan Lee nói.
Anh cho biết đang bận rộn chuẩn bị cho buổi họp báo ngày 1-4. Những cái tên mà ca sĩ Nathan Lee đã đăng ký, khán giả sẽ biết trong thời gian tới.
Về vụ việc này, phía ca sĩ Cao Thái Sơn nói với PV: “Chúng tôi xin phép không trả lời tất cả câu hỏi các báo gửi qua”.
Không phải xin phép ai để sử dụng tên mình
Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Trọng Hào, Đoàn LS TP.HCM, cho biết Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định về việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. “Ca sĩ Nathan Lee chỉ có thể tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Luật Sở hữu trí tuệ, không phải độc quyền thương hiệu” - LS Hào nhận định.
Theo LS Hào, việc dùng tên người hoặc tên tổ chức để đăng ký nhãn hiệu được Luật Sở hữu trí tuệ dựa trên các tiêu chí sau để cho hay không cho phép đăng ký:
Ca sĩ Nathan Lee (trái) và Cao Thái Sơn. Ảnh: TL
Nếu nhãn hiệu này đã được đăng ký trên thế giới (chưa đăng ký ở Việt Nam) thì không được đăng ký.
Trường hợp nhãn hiệu này chưa đăng ký trên thế giới và cả ở Việt Nam thì sẽ có các trường hợp sau:
Đối với các nhãn hiệu không nổi tiếng, không được nhiều người biết đến thì được đăng ký.
Ngược lại, nhãn hiệu được nhiều người biết đến, hoặc đã nổi tiếng, hoặc trùng với tên địa danh thì không được đăng ký. Thí dụ: Chữ “NEW YORK” hay “SAIGON” sẽ không được đăng ký vì là địa danh đã được nhiều người biết đến.
Như đã phân tích ở trên, tên thật hay nghệ danh của một cá nhân khi được đem đi đăng ký thì được gọi là nhãn hiệu hàng hóa và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ căn cứ vào các quy định trên để cấp hoặc không cấp cho người đăng ký.
“Đây là đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, không liên quan đến quyền nhân thân của một người. Tên thật hay nghệ danh của một người là quyền nhân thân, quyền này là bất khả xâm phạm và đương nhiên được pháp luật bảo vệ khi chúng ta xác lập quyền này (bằng giấy khai sinh, cải chính họ tên...). Tuy nhiên, trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ không có liên quan gì đến quyền nhân thân của người có tên hay nghệ danh đó. Nathan Lee có đăng ký thành công nhãn hiệu Cao Thái Sơn thì cũng không ảnh hưởng đến quyền sử dụng tên này của ca sĩ Cao Thái Sơn” - LS Hào khẳng định.
Luật chỉ quy định về “đăng ký nhãn hiệu”
LS Ngô Việt Bắc, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng đăng ký độc quyền “thương hiệu” để chỉ một cái tên gắn liền với một cá nhân, tổ chức (thương hiệu cá nhân, tổ chức) mang những nét đặc trưng riêng được rộng rãi công chúng biết đến.
Tuy nhiên, đây không phải là thuật ngữ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2019 mà chỉ là thuật ngữ thông thường. Thay vào đó, Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định về “đăng ký nhãn hiệu” với các điều kiện để xác định một dấu hiệu được bảo hộ.
Thế nên, khi một cá nhân, tổ chức muốn đăng ký bảo hộ độc quyền tên tuổi riêng thì có thể thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, một trong các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu là: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài”.
Như vậy, ngoài tên thật, biệt hiệu, bút danh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam hoặc của nước ngoài thì cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu tên của người nổi tiếng nhưng nhãn hiệu đăng ký phải chưa bị trùng hoặc tương tự với bất kỳ tên gọi hay nhãn hiệu nào của người khác đã đăng ký trước trong lĩnh vực cùng loại hoặc tương tự.
Xuất phát từ “khẩu chiến” Thời gian qua, Nathan Lee và Cao Thái Sơn đã xảy ra cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội. Vào thời điểm Nathan Lee có những phát ngôn liên quan đến Ngọc Trinh, Cao Thái Sơn bất ngờ đăng tải dòng trạng thái gây xôn xao: “Mạng xã hội không phải là nơi trút giận lên ai đó để thể hiện quyền lực của mình bằng những từ ngữ vô giáo dục”. Dòng chia sẻ này khiến anh và Nathan Lee xảy ra cuộc tranh cãi khá dài trên mạng xã hội. Sau đó, ca sĩ sinh năm 1985 khẳng định sẽ khởi kiện những ai vu khống, có hành vi bôi nhọ danh dự mình trên mạng xã hội. Trong khi đó, Nathan Lee sẵn sàng làm việc với LS để chống lại mọi cáo buộc pháp lý, khẳng định sẽ “chơi đến cùng”. Đến tháng 5-2021, Nathan Lee tiếp tục khiến nhiều người bất ngờ khi thông báo bản thân đã mua độc quyền các bản hit của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung như Con đường mưa, Pha lê tím, Tình yêu trở lại, Cầu vồng sau mưa... Điều đáng chú ý, đây lại là những ca khúc từng được Cao Thái Sơn thể hiện rất thành công. Trước tình huống này, Cao Thái Sơn chia sẻ nếu có ca sĩ khác hát hay hơn, lan tỏa bài hát cũ của mình đến với khán giả thì anh rất vui vẻ và thoải mái. |