Chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu trong năm nay
Tài liệu hướng dẫn về COVID-19 mới nhất của WHO vạch ra con đường tiến tới chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về COVID-19 trong năm 2022. Theo WHO, thế giới sẽ làm được điều này nếu đạt được hai mục tiêu chính: Giảm nhiễm và chẩn đoán điều trị hiệu quả để giảm tử vong, theo trang tin The Hill.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, ông Ghebreyesus cho biết chính quyền các nước cần tập trung vào năm điểm chính trong công tác phòng chống dịch.
Chúng ta đang đứng trước một giai đoạn tối quan trọng của cuộc chiến chống lại COVID-19. Một điều chắc chắn là các biến thể mới sẽ liên tục xuất hiện khi lây nhiễm còn tiếp tục trong cộng đồng. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng vẫn có thể nhìn về tương lai một cách tích cực với niềm hy vọng là sẽ chấm dứt hoàn toàn đại dịch thông qua hành động của chúng ta. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS |
Các điểm này bao gồm: (1) Đẩy mạnh công tác giám sát và xét nghiệm liên quan tới sức khỏe, bên cạnh các nỗ lực thông tin truyền thông đại chúng về các kiến thức y tế; (2) Tăng tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng hàng loạt kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch ở cấp độ xã hội, cải thiện công bằng vaccine; (3) Cải tiến và nâng cao hệ thống y tế các cấp, trong đó chú trọng năng lực chăm sóc và điều trị cho người nhiễm COVID-19; (4) Giới khoa học cần nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công bằng với các nguồn lực y tế; (5) Phối hợp các nguồn lực có trong tay và điều chỉnh phản ứng từ chế độ khẩn cấp sang xử lý COVID-19 như một căn bệnh về hô hấp lâu dài.
Kế hoạch này đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Ghebreyesus, ngoài hơn 6 triệu người đã chết trên khắp thế giới do COVID-19 thì hiện hằng ngày thế giới vẫn chứng kiến lượng không nhỏ ca tử vong. Số ca nhiễm và nhập viện phần lớn đã giảm ở nhiều nước nhưng không ít nước và khu vực vẫn đang chiến đấu với làn sóng dịch, chẳng hạn Trung Quốc và Hong Kong hiện tại. BA.2 - biến thể phụ mới của Omicron có khả năng truyền nhiễm cao cũng đang gây lo lắng vì gần đây đã trở thành biến thể thống trị ở Mỹ.
Trong 194 nước thành viên của WHO, còn tới 21 nước chỉ mới tiêm vaccine cho dưới 10% dân số, 75 nước tiêm vaccine dưới 40% dân số. Một mục tiêu chính của WHO là đạt tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu 70%, mức cao hơn nhiều so với tỉ lệ hiện tại ở nhiều nước nghèo.
Người dân ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc xét nghiệm COVID-19 ngày 30-3.
Ảnh: AFP
Bình luận về cập nhật mới nhất hướng dẫn chiến lược phòng chống dịch của WHO, chuyên gia David Dowdy thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) chia sẻ với hãng tin Reuters rằng hiện tại vẫn cần thời gian để xem các khuyến nghị của WHO có thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, trước mắt thì nội dung cập nhật mới đã vạch ra được một cách tiếp cận tương đối toàn diện về đại dịch, nhấn mạnh được những mũi nhọn mà các quốc gia cần tập trung vào.
“Liệu những hướng dẫn mới có đưa thế giới thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch hay không thực sự phụ thuộc phần nhiều vào hướng lây lan và đột biến của virus SARS-CoV-2, cũng như mức độ chấp nhận và tuân thủ các hướng dẫn từ phía chính quyền các nước. Dù vậy, những gì WHO vạch ra là một khởi đầu tốt” - ông Dowdy nhận định.
Ba kịch bản COVID-19 cho năm 2022
Tài liệu hướng dẫn cập nhật của WHO vạch ra ba kịch bản cho hướng lây lan của COVID-19 trong năm 2022 và chỉ ra một số trọng tâm mà các nước cần chú trọng trong phác thảo chiến lược phòng chống dịch.
Kịch bản đầu tiên và có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 sẽ tiếp tục phát triển và đột biến theo hướng tăng cường khả năng lây nhiễm và có thể gây ra thêm các đợt bùng phát dịch trong tương lai, theo ông Ghebreyesus. Tuy nhiên, số ca tử vong sẽ không tăng vì độc tính sẽ giảm dần và miễn dịch cộng đồng sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào miễn dịch tự nhiên hoặc từ vaccine. SARS-CoV-2 trong kịch bản này có thể giống virus cúm mùa, xuất hiện vào khoảng thời gian cố định trong năm như vào mùa lạnh.
“Các ca nhiễm tăng đột biến theo chu kỳ, vẫn có ca tử vong khi khả năng miễn dịch suy giảm nên chính quyền các nước vẫn cần chú trọng tiêm liều tăng cường cho các nhóm dễ tổn thương” - ông Ghebreyesus cho biết thêm.
Ở kịch bản thứ hai và cũng là dễ thở nhất trong cả ba, các biến thể virus SARS-CoV-2 trong tương lai sẽ yếu dần cả về khả năng lây lan lẫn độc tính và con người được bảo vệ lâu dài mà không cần tiêm thêm liều tăng cường thường xuyên hay thay đổi liên tục công thức của các vaccine đang lưu hành hiện nay.
Còn kịch bản thứ ba, ông Ghebreyesus cảnh báo đây là kịch bản xấu nhất với việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 mới liên tục xuất hiện với khả năng lây nhiễm và độc tính tăng dần. Các biến thể này làm suy yếu miễn dịch tự nhiên lẫn miễn dịch từ vaccine, làm tăng nhanh các ca nhiễm nặng và ca tử vong. Kịch bản này yêu cầu hệ thống y tế các nước phải thay đổi, liên tục cập nhật vaccine và đẩy mạnh chiến dịch tiêm tăng cường cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, ông Ghebreyesus cũng tin tưởng rằng thế giới có “các công cụ để lập kế hoạch và ứng phó với mọi tình huống”.•
Toàn cầu, nhiễm giảm mạnh nhưng thống kê tử vong lại tăng Theo báo cáo của WHO công bố ngày 30-3, tuần qua thế giới ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng 40%, lên tới 45.000 nạn nhân mới. Trong khi đó, số ca nhiễm lại giảm mạnh, chỉ ghi nhận khoảng 10 triệu trường hợp mới. WHO cho rằng số ca tử vong tăng có thể do thay đổi trong cách thức ghi nhận ở châu Mỹ, cùng với việc Ấn Độ gần đây mới điều chỉnh số liệu, bổ sung hơn 4.000 ca tử vong ban đầu không được tính là do COVID-19 gây ra. WHO cũng cảnh báo rằng các nước không nên bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch vì sẽ khiến cơ quan chức năng khó theo dõi chính xác tình hình lây lan của virus, sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực phát hiện các biến thể mới và làm suy yếu khả năng phản ứng của hệ thống y tế. |