Hiện nay, nhiều nhà đất được mua bán bằng giấy tay thông qua vi bằng đa phần là trường hợp sổ hồng chung hoặc đất đang thế chấp ngân hàng hay nhà xây dựng sai phép…
Có những người biết tính pháp lý khi mua nhà bằng hình thức vi bằng nhưng vì không đủ tiền mua nên đã mạo hiểm chọn cách giao dịch đầy rủi ro này.
Tuy nhiên, cũng không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do thừa phát lại lập như là một giao dịch mua bán hợp pháp. Cách hiểu này là hoàn toàn sai!
Gia đình tôi mua nhà qua hình thức vi bằng tại địa chỉ 77/50/7A Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ, quận 7 và ở đây từ năm 2019, đến nay cũng được hơn hai năm. Đây là hai dãy nhà kiên cố, rất đẹp và năm 2018 có Thông báo số 1019/TB-UBND của UBND phường cho người chủ đất sửa chữa lại nhà với kết cấu trệt + sàn 3D lửng. Đến năm 2020, cũng chính UBND phường Phú Mỹ ra văn bản thu hồi Thông báo số 1019/TB-UBND và ban hành các thông báo là sẽ cưỡng chế. Người dân chúng tôi chỉ biết nhà được cấp phép sửa chữa thì làm theo đúng nội dung được cấp phép, còn chuyện chính quyền làm sai thì giờ hậu quả người dân phải gánh chịu. Giờ chúng tôi ai cũng như ngồi trên đống lửa… Ông NGUYỄN QUANG SÂM |
Thừa phát lại từ chối lập vi bằng giao dịch nhà đất
Trao đổi với PV, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại TP.HCM, cho biết hiện nay văn phòng đang từ chối đối với những khách hàng đến văn phòng để yêu cầu lập vi bằng về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bởi lẽ, đây là một trong những trường hợp không được lập vi bằng theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Nghị định 08/2020.
Thông tin thêm, ông Hùng cũng cho biết Nghị định 08/2020 có hiệu lực từ ngày 24-2-2020, tuy nhiên trước khi nghị định này chính thức có hiệu lực thì một số văn phòng thừa phát lại cũng đã không nhận lập vi bằng liên quan đến việc mua bán nhà đất.
“Tôi cho rằng quy định thừa phát lại không được lập vi bằng đối với những giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là hợp lý và cần thiết. Bởi trong Luật Đất đai hiện nay cũng đã có quy định rất rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập bằng văn bản, được công chứng và phải có giấy tờ hợp lệ. Trong khi đó, vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng.
Giá trị của vi bằng là lập ra để ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân và là nguồn chứng cứ để tòa xem xét khi giải quyết vụ án. Vì vậy mà trước đây người dân khi thực hiện giao dịch mua bán nhà đất bằng cách lập vi bằng thường đối diện với những rủi ro không lường trước được” - ông Hùng chia sẻ.
Vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng
Đồng tình với ông Hùng, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích theo Điều 28 Nghị định 61/2009, vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ông Huỳnh Phú Tri cùng hàng chục hộ dân khác mua nhà qua hình thức vi bằng tại hai dãy nhà (bên trái và phải) ở địa chỉ 77/50/7A Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ, quận 7 đang lo có nguy cơ mất trắng. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Điều 37 Nghị định 08/2020 quy định các trường hợp không được lập vi bằng. Chẳng hạn như thừa phát lại không được lập vi bằng trong trường hợp xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực. Thừa phát lại cũng không được lập vi bằng trong trường hợp ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hậu thông tin: Trước đây, có một số văn phòng thừa phát lại lập vi bằng chứng kiến việc mua bán và giao nhận tiền liên quan đến bất động sản. Về sau, việc lập vi bằng như vậy đã bị một số người dân nhầm tưởng đây là hợp đồng mua bán nhà đất. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy.
Chính vì vậy, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản nhắc tất cả văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP về vấn đề này. Cụ thể, thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Người dân cần lưu ý điều này để mình không trở thành người vi phạm pháp luật hoặc là nạn nhân.•
Địa phương phải ngăn chặn những sai phạm trong xây dựng Trước đây, Sở Tư pháp đã từng làm việc với một số trường hợp người dân mua nhà đất qua vi bằng. Đa phần người dân cũng hiểu được giá trị pháp lý của vi bằng chỉ là giao nhận tiền. Do có nhu cầu giao dịch mua bán, thay vì giao nhận tiền bằng giấy tay thì họ giao dịch mua bán qua vi bằng để sau này có chứng cứ nếu phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, việc giao dịch mua bán như thế này sẽ rất rủi ro cho người mua. Nhằm hạn chế tình trạng giao dịch nhà đất không đúng quy định thông qua vi bằng thì các địa phương phải quản lý đất đai chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Nếu không tồn tại những căn nhà xây không phép, trái phép, nhà “ba chung” (chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà) thì tình trạng mua bán giấy tờ tay sai quy định này sẽ không xảy ra. Người dân cần hiểu rằng vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng cũng không chứng nhận, không xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch về nhà đất và không là cơ sở để thực hiện việc đăng ký sổ hồng. Một đại diện của Sở Tư pháp TP.HCM |