Theo hãng Reuters, các quan chức cấp cao Mỹ trong tuần này đã có các chuyến công du để thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục gây sức ép lên Nga hoặc tham gia chiến dịch trừng phạt và các biện pháp khác đối với Moscow.
Diễn biến trên đến trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraine bước sang tuần thứ năm, cũng như khi tác động ban đầu của các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào các ngân hàng, giới tài phiệt và công ty Nga bắt đầu giảm bớt phần nào.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thái tử tiểu vương Abu Dhabi của UAE – ông Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan. Ảnh: REUTERS
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - ông Wally Adeyemo - đã gặp gỡ các quan chức cấp cao ở London, Brussels và Paris, và sẽ có chuyến thăm Berlin vào cuối tuần.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - ông Daleep Singh – cũng đã thúc giục các quan chức Ấn Độ ở New Delhi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về tình hình Ukraine với Thái tử tiểu vương Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – ông Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan ở Maroc.
Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đảm bảo rằng các đồng minh tại châu Âu kiên định trong việc trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Chúng tôi phải tiếp tục gây sức ép lên Nga và tăng cường hỗ trợ Ukraine" - một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Theo Reuters, các chuyến công du của các quan chức Mỹ diễn ra sau chuyến thăm của ông Biden đến châu Âu vào tuần trước, cũng như trong bối cảnh Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 30-3 đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và tái khẳng định kế hoạch của Bắc Kinh về việc tiếp tục duy trì quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác.
Theo một quan chức tại châu Âu, các cuộc thảo luận của ông Adeyemo với những người đồng cấp châu Âu tập trung vào các lệnh trừng phạt, tác động của Ấn Độ và Trung Quốc đối với nỗ lực né tránh lệnh trừng phạt của Nga và cách giúp các quốc gia như Đức đảm bảo nhu cầu năng lượng của họ trong trường hợp bị Nga cấm vận.
Bà Catherine Novelli - cựu quan chức ngoại giao và quan chức thương mại cấp cao của Mỹ - cho biết Washington bắt buộc phải duy trì các mối quan hệ với các đồng minh.
Bà cho rằng "rất khó" để duy trì động lực của các lệnh trừng phạt cũng như các biện pháp trừng phạt khác sau khi tác động của đợt trừng phạt ban đầu đối với Nga hiện suy giảm.
Tại Ấn Độ, Ông Singh cho biết Mỹ sẽ không đặt ra bất kỳ ranh giới đỏ nào đối với việc mua dầu, song cảnh báo về sự gia tăng mua dầu.
Ấn Độ có nền quân sự phụ thuộc vào công nghệ và phần cứng của Nga và đã nỗ lực cân bằng mối quan hệ với Nga và phương Tây.
Không như các nước thành viên khác của nhóm “Bộ Tứ” (QUAD – Mỹ, Nhật, Úc), Ấn Độ đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Các phát ngôn của ông Singh được đưa ra trước thông tin Ngoại trưởng Nga Lavrov dự kiến tới thủ đô của Ấn Độ trong chuyến công du kéo dài hai ngày.
Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính Mỹ hôm 31-3 đã thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào một loạt công ty công nghệ của Nga, trong đó có nhà sản xuất chip lớn nhất nước này, theo Reuters.
Đây là những biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhất của Mỹ do căng thẳng Nga-Ukraine.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, 21 thực thể và 13 cá nhân, trong đó có công ty chứng khoán Mikron, nhà sản xuất và xuất khẩu các thiết bị vi điện tử lớn nhất và nhà sản xuất chip lớn nhất của Nga sẽ bị trừng phạt.
Cơ quan này cũng mở rộng các trừng phạt sang các lĩnh vực hàng không vũ trụ, hàng hải và điện tử.