Theo UBND tỉnh Long An, trục giao thông TP.HCM - Long An - Tiền Giang không chỉ có vai trò kết nối liên vùng mà sẽ đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, tỉnh Long An coi trục kết nối này là công trình trọng điểm và nỗ lực giải phóng mặt bằng (GPMB) trong năm 2022 để thực hiện dự án.
Mong muốn hình thành trục đường huyết mạch
Theo UBND tỉnh Long An, ĐBSCL đang là “vùng trũng” về hạ tầng giao thông so với cả nước. Hiện cả vùng mới chỉ có hơn 100 km đường cao tốc.
Trong khi đó, có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP.HCM để xuất khẩu.
UBND tỉnh Long An cũng cho rằng quy mô hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn giữa các địa phương trong khu vực. Thời gian qua, khu vực này liên tục phát sinh các điểm nghẽn giao thông do nhu cầu đi lại lớn hơn năng lực hạ tầng.
Tuyến đường nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho quốc lộ 1. Ảnh: ĐÀO TRANG
Đối với tỉnh Long An, quốc lộ (QL) 1, QL50, QLN2, cao tốc TP.HCM - Trung Lương là bốn trục giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh cũng đang trong tình trạng quá tải.
Theo đó, tỉnh Long An mong muốn hình thành một trục đường huyết mạch cho tỉnh nhà. Trục này sẽ xuyên suốt từ TP.HCM qua Long An đến Tiền Giang. Tuyến đường có vai trò tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương trong khu vực và liên vùng với các tỉnh ĐBSCL.
Chính vì vậy, từ những năm 2016-2017, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương quy hoạch để thực hiện việc đầu tư xây dựng trục kết nối nói trên. Năm 2020, HĐND tỉnh Long An điều chỉnh quy mô và đổi tên đường trục kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang thành ĐT.827E. Trên tuyến đường này có ba cây cầu bắc qua các sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Hoàn thành cơ bản giải phóng mặt bằng trong năm 2022
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Long An, cho biết chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định: Tập trung thực hiện hoàn thành cơ bản công tác GPMB đối với ĐT.827E (đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông) trong năm 2022.
Đồng thời, tỉnh cũng lập quy hoạch phân khu chức năng hai bên và các khu đất công để khai thác quỹ đất, kêu gọi nhà đầu tư theo đúng quy định. Cạnh đó, tỉnh cũng hoàn thành hồ sơ thiết kế dự án và triển khai khởi công ngay khi được bố trí vốn.
Đoạn từ ranh TP.HCM - Long An đến sông Vàm Cỏ Đông hiện UBND tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện GPMB theo quy định.
Đối với dự án ba cây cầu trên ĐT.827E, Sở GTVT đã tổ chức lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi. Sở KH&ĐT đang phối hợp với các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh tích cực làm việc với các bộ, ngành trung ương để hỗ trợ vốn thực hiện.
Ông Trung cho biết tổng mức đầu tư dự án là hơn 18.600 tỉ đồng, trong đó phần GPMB hơn 13.857 tỉ đồng. Ba cây cầu trên ĐT.827E tổng mức đầu tư hơn 3.604 tỉ đồng, nguồn vốn từ trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Hiện Bộ KH&ĐT đã dự kiến danh mục dự án ĐT.827E sẽ sử dụng nguồn vốn của khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025.
Ông Trung thông tin thêm điểm đặc biệt khi làm dự án này là tỉnh sẽ chú trọng phát triển đô thị dọc hai bên. Theo đó, đối với những vị trí không tạo quỹ đất sạch (khu vực cầu), các nút giao sẽ GPMB 78 m. Tại những vị trí có tạo quỹ đất sạch sẽ GPMB 300 m, trong đó phần khai thác quỹ đất mỗi bên là 100 m, phần dự trữ cho đường giao thông là 100 m.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết TP.HCM - Long An - Tiền Giang đã thống nhất với nhau về việc xây dựng trục đường huyết mạch nối thông ba địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thống nhất được nguồn vốn từ đâu đối với trục đường này. Theo đó, sang tuần sau Sở GTVT Tiền Giang sẽ gặp và thống nhất với các địa phương về phương án đầu tư.
Ông Bon cho biết tỉnh Tiền Giang là địa phương trung gian với TP.HCM và ĐBSCL trong giao thông liên vùng. Theo đó, tuyến giao thông này được hình thành sẽ giảm tải cho QL1 và rút ngắn thời gian về ĐBSCL cũng như lên TP.HCM.
“Đặc biệt, khi dự án được thực hiện cũng sẽ hình thành các khu đô thị dọc hai bên đường. Tỉnh Tiền Giang rất mong muốn tuyến đường này sớm được đầu tư và đi vào hoạt động” - ông Bon chia sẻ.•
Bốn phân đoạn đầu tư dự án Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy hoạch ĐT.827E đoạn qua tỉnh Long An thành QL50B. Dự án có điểm đầu tại đường Phạm Hùng Tuyến đường được phân thành bốn phân đoạn chính. Phân đoạn 1 giáp ranh với TP.HCM đến đoạn giao với QL50 tại ngã ba Tân Kim. Phân đoạn này có ba cây cầu bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Phân đoạn 2, đoạn giao với QL50 tại ngã ba Tân Kim đến đoạn giao với ĐT.826. Phân đoạn 3, đoạn giao với ĐT.826 đến đoạn giao với ĐT.827B. Phân đoạn 4, đoạn giao với ĐT.827B đến đoạn giáp ranh với tỉnh Tiền Giang. |