Bảng quảng cáo xếp chồng xếp lớp ở ngã sáu Phù Đổng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ
Cơ quan chức năng đã xử lý gần 300 trường hợp vi phạm với mức phạt gần 3 tỉ đồng, nhưng hiện nay công tác quản lý quảng cáo ngoài trời còn khó khăn do nhiều vướng mắc và các quy định chồng chéo.
30% biển quảng cáo trên đất giao thông sai quy định
Theo quy định, bảng quảng cáo đặt ở mặt tiền nhà, mỗi tầng chỉ được một bảng cao tối đa 2m, chiều ngang không vượt quá mặt tiền. Đối với bảng dọc thì chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao công trình. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các vòng xoay lớn như Dân Chủ, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, ngã sáu Phù Đổng... không nhiều các bảng quảng cáo đáp ứng quy định này.
Các bảng quảng cáo xếp chồng xếp lớp, tranh nhau nhô ra mặt tiền, nhô cao hơn cả công trình. Không chỉ vậy, các bảng quảng cáo lớn lại được lắp đặt vào những công trình đã xuống cấp, trên nóc các khu chợ chằng chịt dây điện. Nhiều bảng quảng cáo trong số đó là sai phép.
Đầu tháng 3 đến nay, HĐND TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi khảo sát hoạt động quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM và phát hiện hàng loạt sai phạm. Tại thời điểm khảo sát, ngay vòng xoay ngã sáu Phù Đổng (quận 1) có 5/6 điểm quảng cáo ngoài trời không phép, điểm lắp quảng cáo có phép thì lại vi phạm kích thước.
Tương tự, tại vòng xoay Nguyễn Thị Minh Khai, hầu hết các bảng quảng cáo đều không phép. Ở đường Phạm Viết Chánh (quận 1), có một trụ quảng cáo cao gần 20m với phần diện tích gần 10m2 "mọc" không phép. Bảng quảng cáo này được dựng lên trong đêm sau nhiều ngày thi công phần móng trước đó. Đến khi trụ và bảng đã được dựng lên, chính quyền mới tới kiểm tra và lập biên bản nhưng mấy tháng qua vẫn không xử lý được.
Ngay vị trí của cơ quan nhà nước, các biển quảng cáo ngoài trời không phép vẫn ngang nhiên mọc lên như nấm. Khuôn viên Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam từng có đến 5 biển quảng cáo đều không phép. Theo ghi nhận, hiện đơn vị này đã tháo gỡ các bảng hiệu này.
Theo một lãnh đạo UBND quận 1, quận có hơn 10.000 vị trí bảng quảng cáo, chỉ mới khảo sát được hơn 6.000 vị trí, còn hơn 4.000 vị trí chưa thể khảo sát được do thiếu nguồn nhân lực. Tại TP Thủ Đức, có 43/116 trụ panô quảng cáo thương mại chưa thông báo quảng cáo đến cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, có 34 trụ trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, 5 trụ doanh nghiệp thuê đất người dân và 4 trụ không có trong quy hoạch do chủ đầu tư dự án xây dựng trong khuôn viên đất quản lý.
Tại huyện ngoại thành Hóc Môn, hoạt động quảng cáo ngoài trời cũng khó có thể kiểm soát hết. Thời gian qua, huyện đã tổ chức 2.490 lần kiểm tra các điểm quảng cáo ngoài trời, xử lý 73 trường hợp vi phạm.
Theo đại diện Sở Văn hóa và thể thao, hiện TP có 1.154 bảng quảng cáo tấm lớn, có kích thước từ trên 20m2 trở lên có trụ bảng nằm trên đất giao thông. Trong đó, có khoảng 30% vị trí quảng cáo sai quy định, sai phép.
3 "vướng"
Theo ông Trần Thanh Vương - trưởng Phòng xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa và thể thao - công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời liên quan đến nhiều sở ngành. Dù là cơ quan chủ đạo nhưng Sở Văn hóa và thể thao TP chỉ quản lý về nội dung quảng cáo. Thanh tra sở chỉ xử lý khi thông báo hoặc quảng cáo không đúng nội dung, còn việc xây dựng trụ bảng thì thanh tra sở không xử lý được.
Hiện nay việc cấp phép công trình quảng cáo trên đất giao thông cũng chồng chéo. Sở Giao thông vận tải cấp phép vị trí thi công, còn về mặt thẩm định kết cấu trụ bảng vẫn bỏ ngỏ. Theo quy định, hiện nay công trình trên đất giao thông thì Sở Xây dựng không thể cấp phép.
Bên cạnh đó, công tác cưỡng chế các công trình sai phép hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng. Việc tháo gỡ các trụ bảng, nhất là các vị trí trên cao rất mất công sức, phải có đội ngũ chuyên môn nhưng đơn vị cung cấp dịch vụ còn hạn chế. Hầu như các quận huyện chưa tổ chức được việc cưỡng chế, phần lớn chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự tháo gỡ.
Quy hoạch quảng cáo: 10 năm chưa xong
Từ khi Luật quảng cáo ra đời đến nay đã hơn 10 năm, quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa được ban hành. Năm 2017, sau nhiều năm chỉnh sửa, Sở Văn hóa và thể thao TP đã hoàn chỉnh đề án quy hoạch nhưng lại vướng Luật quy hoạch. Phải đến năm 2020, trước yêu cầu cấp thiết của UBND TP, sở đã thành lập Hội đồng thẩm định cho đề án. Tuy nhiên, nhiều vị trí quy hoạch phải thông qua ý kiến chuyên ngành nên không thể đẩy nhanh tiến độ đề án.
Dự kiến tháng 4-2022, Hội đồng thẩm định đề án sẽ tiếp tục họp xét duyệt đề án của từng quận huyện. Khi quy hoạch đã có thì sẽ tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn trong quản lý hoạt động quảng cáo hiện nay.
Cần cơ chế thí điểm
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, phó Ban Đô thị HĐND TP.HCM, hiện nay không thực hiện quy hoạch ngành nữa mà phải chờ quy hoạch chung của TP.HCM. Tuy nhiên, nếu chờ quy hoạch chung mới làm quy hoạch thì rất lâu và bị động. Theo ông Nhựt, trong khi chờ quy hoạch, nên đề xuất cơ chế thí điểm thực hiện. Trong đó, phải có cơ quan chủ trì trong công tác quản lý quảng cáo ngoài trời và có quy chế phối hợp giữa các ngành rõ ràng.
Tăng thu ngân sách từ hoạt động quảng cáo
Đóng góp GRDP của ngành quảng cáo chiếm tỉ lệ cao và đang tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Sở Văn hóa và thể thao đề xuất TP giao Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính tham mưu quy định quản lý đấu thầu thu phí các vị trí quảng cáo trên đất công, công viên, hệ thống phương tiện giao thông công cộng do Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, sở này đề xuất TP tính phí quảng cáo đối với hình thức quảng cáo treo băngrôn trên các trụ đèn chiếu sáng để tăng nguồn thu ngân sách. Nguồn thu này có thể sử dụng để bảo trì cột điện.
TTO - Năm 2019 có hơn 3.500 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của các doanh nghiệp ở TP.HCM, tăng gần 30% so với năm 2018. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép để doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại tình trạng quảng cáo chui.
Xem thêm: mth.72473250213302202-yl-ux-ohk-pehp-iart-iort-iaogn-oac-gnauq/nv.ertiout