Các VĐV Việt Nam đang nỗ lực vượt khó khăn, giành thành tích tốt ở SEA Games 31 - Ảnh: MINH ĐỨC
Toàn bộ kinh phí được Chính phủ chi cho việc tổ chức SEA Games 31 là 750 tỉ đồng, trong đó đã có 301 tỉ đồng được giải ngân.
Ngày 31-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên ban tổ chức SEA Games cho biết hiện số kinh phí còn lại là 449 tỉ đồng chi cho công tác tổ chức đại hội vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Thiết bị thi đấu chưa biết khi nào về
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là các thiết bị thi đấu của nhiều môn ở SEA Games 31 hiện nay vẫn chưa mua được. Hai môn điền kinh, bơi lội tổ chức tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang mỏi mòn chờ thiết bị được đưa về VN để lắp đặt. Chắc chắn hai môn này sẽ phải tổ chức giải đấu tiền SEA Games để các quan chức kỹ thuật của liên đoàn Đông Nam Á và châu Á đến kiểm tra, đánh giá thiết bị và quá trình vận hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết có đến gần 20 gói thầu mua sắm trang thiết bị cho các môn thể thao của SEA Games 31 vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp.
Mỗi môn thi là một thiết bị khác nhau, giá cả khác nhau, nhà cung cấp và quốc gia nhập khẩu cũng khác nhau nhưng thủ tục phải tiến hành chặt chẽ. "Chúng tôi rất lo lắng nhưng phải làm theo đúng quy định của Nhà nước, thủ tục về đấu thầu".
VĐV điền kinh chưa có... giày
Phản ánh với Tuổi Trẻ, một vài VĐV đội tuyển điền kinh VN cho biết: "Hiện chúng tôi vẫn chưa được cấp vitamin, thuốc bổ cũng như giày thi đấu. Thực phẩm cần có quá trình uống vào để hấp thụ, với giày thi đấu chúng tôi cũng cần ít nhất 1 - 2 tháng để làm quen. Chúng tôi chờ trung tâm phát giày để tập thử và thi đấu nhưng giờ vẫn chưa thấy đâu nên lo lắng quá".
Mua giày chạy, nhảy là một khoản vô cùng tốn kém, khó khăn với các VĐV điền kinh. Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh từng có một thời gian phải đi giày rách khi thi đấu vì cô không thể tìm được loại giày phù hợp với chân của mình.
Mãi đến trước Giải điền kinh vô địch quốc gia tháng 12-2021, Tú Chinh mới nhờ người quen ở Mỹ mua được cho một đôi giày mới phù hợp để thi đấu. Các trang thiết bị thi đấu như: giày, súng, kiếm, cung... VĐV phải có vài tháng để làm quen thì mới có thể tập luyện và thi đấu tốt được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) - cho biết đang thúc giục các bộ phận liên quan khẩn trương mua sắm trang thiết bị cho VĐV, trong đó có giày. Vì thủ tục chặt chẽ, phức tạp nên trung tâm cũng cố gắng hết sức để phục vụ VĐV nhanh và sớm nhất có thể.
Nỗ lực khẳng định vị thế ở môn mũi nhọn
Điền kinh, bơi, bắn súng,... những môn thể thao trọng điểm nằm trong chương trình thi đấu của Olympic luôn là mũi nhọn của đoàn VN tại các kỳ SEA Games. Với gần 70 VĐV, điền kinh VN đặt mục tiêu giành từ 15 - 17 HCV và đứng đầu Đông Nam Á tại SEA Games 31 (tại SEA Games 30, điền kinh đoạt 16 HCV).
Bơi lội được giao chỉ tiêu giành từ 6 - 8 HCV và hiện các "ngôi sao" của đội tuyển bơi VN đang tập huấn tại Hungary. Tại SEA Games 30, bơi lội giành đến 11 HCV, trong đó Ánh Viên đoạt 6 HCV. Theo kế hoạch, ngày 23-4, các "niềm hy vọng vàng" gồm Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Thanh Bảo, Quý Phước... sẽ từ Hungary về nước để chuẩn bị SEA Games 31.
Đội tuyển bắn súng VN tham dự SEA Games 31 với 28 xạ thủ, đặt mục tiêu giành từ 6 - 8 HCV và cạnh tranh vị trí dẫn đầu khu vực. Đây là thách thức không nhỏ với các xạ thủ VN.
Gia hạn thời gian đăng ký dự SEA Games 31
Ngày 31-3 là hạn cuối để các đoàn thể thao đăng ký thành viên tham dự SEA Games 31 tại VN. Dù vậy, nhiều đoàn vẫn chưa hoàn thành xong thủ tục đăng ký, hiện mới có 7.300 thành viên của 11 đoàn thể thao có tên.
Vì vậy, ban tổ chức SEA Games 31 đã gia hạn đăng ký đến ngày 5-4. Theo đăng ký sơ bộ đến cuối giờ chiều 31-3, đoàn Indonesia đăng ký 1.782 thành viên, Thái Lan 1.428 thành viên.
TTO - Với 1.400 thành viên, Thái Lan là đoàn thể thao có số lượng thành viên đăng ký tham dự SEA Games 31 tại Việt Nam đông nhất khu vực Đông Nam Á.
Xem thêm: mth.74065029010402202-13-semag-aes-ohc-ib-nauhc-tab-tat/nv.ertiout