Một số doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách tận dụng khoảng trống do sự di cư ồ ạt của các thương hiệu phương Tây khỏi thị trường Nga. Sau khi chứng kiến một số công ty ôtô rút đi, bà Li Dan quyết định mở rộng công ty của mình ở Moskva để sản xuất và bán phụ tùng cho xe hơi Mỹ và châu Âu.
Nhiều năm qua, bà chỉ là nhà cung cấp cho ôtô Nga. Nhưng sau khi Ford, Volkswagen và một số hãng dừng hoạt động, bà Li cho rằng Audi, Ducati, Skoda và Porsche có thể sẽ sớm cần tới mình để bảo trì xe đã bán.
"Xe hơi của Mỹ và châu Âu ở Nga sẽ cần sửa chữa trong tương lai. Những đại lý trực tiếp nhập ôtô hoặc phụ tùng từ thị trường Mỹ, Âu sẽ phải tìm kiếm sự hợp tác ổn định hơn từ Trung Quốc kể từ bây giờ vì các lệnh trừng phạt", bà dự báo.
Hay như Liu Yunpeng, chủ một công ty nhập khẩu thực phẩm Trung Quốc có trụ sở tại Nga, cũng nhận thấy cơ hội. "Công ty của tôi đã nhập khẩu thực phẩm Trung Quốc, rượu baijiu vào Nga từ năm 2014. Và khi quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga tiếp tục sâu sắc hơn, tôi hoàn toàn cảm nhận được tiềm năng mở rộng ở Nga", ông nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui đã kêu gọi các thương nhân Trung Quốc ở Moskva nắm bắt các cơ hội kinh doanh đang xuất hiện. Ông khuyến nghị doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động để "lấp đầy khoảng trống trên thị trường Nga".
"Đây là lúc các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng nhất. Đất nước đang thông suốt tất cả các kênh, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán và hậu cần, đồng thời xây dựng các nền tảng mới", ông nói.
Với các doanh nhân Trung Quốc, đồng ruble mất giá và lạm phát tăng 30% cũng dẫn đến doanh số và doanh thu giảm, lãi suất cho vay tăng và nhân viên Nga cũng yêu cầu tăng lương. Ngoài ra, khi phương Tây đã cắt các ngân hàng Nga được khỏi SWIFT, nhiều giao dịch không thể thanh toán bằng USD và euro, vốn đã được sử dụng trong hầu hết giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, với bà Li Dan, người có khách hàng không muốn chuyển sang đồng nhân dân tệ, việc buộc chuyển hướng khỏi USD đã tạo ra cơ hội bất ngờ. "Chúng tôi đã thúc giục khách hàng thanh toán bằng nhân dân tệ trong một thời gian dài nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra vì khách hàng không muốn gặp rắc rối khi mở tài khoản ngân hàng mới", bà Li nói.
Nhưng khi các ngân hàng của khách hàng bị cấm vận, họ đã phải tìm đến các ngân hàng hỗ trợ giao dịch nhân dân tệ ngay lập tức và hoạt động kinh doanh của công ty bà Li trở lại bình thường sau khoảng một tuần.
"Các công ty Trung Quốc trong một số lĩnh vực thích hợp sẽ đặc biệt hưởng lợi từ việc EU và Mỹ rời khỏi thị trường Nga, chẳng hạn phụ tùng ôtô, thực phẩm, vật tư y tế và cơ sở hạ tầng", Zhuang Bo, nhà kinh tế Trung Quốc tại công ty đầu tư Loomis, Sayles & Company, cho biết.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm một vài rủi ro. Chủ tịch Liên đoàn Hoa kiều ở Moskva Wang Chuanbao cho rằng khoảng trống mà các công ty phương Tây để lại ở Nga đã dẫn đến sự mất cân bằng cung và cầu, chắc chắn sẽ tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, ông lưu ý các biện pháp trừng phạt lần này phương Tây dành cho Nga là nghiêm khắc hơn và mở rộng hơn
"Các thương nhân Trung Quốc cần dành thời gian xem xét cẩn thận các cách để lấp đầy những lỗ hổng trong ngành này và đảm bảo một chỗ đứng trên thị trường Nga", ông lưu ý.
Chuyên gia kinh tế Zhuang Bo dự báo thương mại Trung - Nga "chắc chắn sẽ tăng quy mô trong vài năm tới và tốc độ cũng sẽ tăng lên". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nhóm các doanh nghiệp nhà nước lớn ở Trung Quốc nên cảnh giác khả năng vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các chuyên gia khác thì cảnh báo căng thẳng địa chính trị đang phủ bóng lên các vấn đề cấp bách của Trung Quốc, chẳng hạn an ninh lương thực và năng lượng. Diễn biến này cũng đồng thời gây nguy hiểm cho các dự án thuộc mạng lưới thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm, được gọi là sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ở cấp cao, Mỹ cũng đang ra sức thúc ép Trung Quốc tỏ rõ lập trường hơn. Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden ngày 18/3, Biden cảnh báo về những hậu quả không thể xác định nếu Trung Quốc ủng hộ Nga. Điều đó xảy ra khoảng hai tuần sau khi Trung Quốc cho biết họ "kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp nào".
Một cố vấn thương mại giấu tên của chính phủ Trung Quốc cho biết Mỹ đã thúc giục Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt trong sự kiện đó. "Sức mạnh và nền tảng hợp tác giữa Trung Quốc và Nga vẫn còn khá tốt. Mỹ đang cố gắng phá vỡ nó và buộc Trung Quốc phải đưa ra phản ứng rõ ràng về việc liệu nước này có tuân thủ các lệnh trừng phạt Nga hay không", vị cố vấn nói.
Hôm 29/3, Matthew Borman, Phó trợ lý thư ký quản lý xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ lên tiếng cảnh báo rằng những hàng hóa nhập vào Nga, kể cả từ Trung Quốc - là nước không tham gia cấm vận, mà thành phần từ Mỹ chiếm hơn 25% tổng giá trị sản phẩm - cũng phải được Washington cấp phép để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt.
Ngay cả khi một sản phẩm giao dịch với Nga không chứa thành phần của Mỹ, nó vẫn có thể phải tuân theo các hạn chế của Washington nếu dựa trên phần mềm hoặc công nghệ của Mỹ, hoặc nếu được sản xuất trên dây chuyền lắp ráp sử dụng các công cụ hoặc thiết bị của nước này.
Các công ty bị phát hiện vi phạm có thể phải đối mặt với tiền phạt, cấm hoàn toàn các giao dịch hoặc thậm chí ngồi tù nếu họ nằm trong quyền tài phán của Mỹ. Đây là lần đầu tiền một quan chức cấp cao của Mỹ nêu các điều kiện chi tiết về hoạt động cấm vận của nước này sau khi xung đột Ukraine nổ ra.
Tại Washington, ông Borman cho hay Mỹ đã tổ chức các cuộc thảo luận về "phạm vi của các biện pháp kiểm soát" với các quan chức thương mại của Trung Quốc tại đại sứ quán. Ông cũng nhắc lại trường hợp của ZTE.
Công ty viễn thông Trung Quốc này lãnh án phạt 1,4 tỷ USD vào năm 2018 vì bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt bằng cách bán sản phẩm cho Iran và Triều Tiên. Ông cảnh báo đó là một ví dụ về những gì các công ty Trung Quốc có thể phải đối mặt nếu bị phát hiện vi phạm các lệnh trừng phạt dành cho Nga.
Lu Xiang, Chuyên gia Mỹ của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), cho biết hành động của Washington có thể ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp Trung Quốc như nhà sản xuất thiết bị cầm tay hoặc máy tính, buộc họ phải dừng xuất khẩu.
"Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ thực hiện biện pháp để tránh rủi ro bị phạt. Tuy nhiên, nó sẽ không làm trật tự thương mại Trung Quốc - Nga nói chung ảnh hưởng, bởi vì phần lớn các sản phẩm sẽ không vi phạm các tiêu chí", ông đánh giá.
Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan cũng đã theo chân Mỹ bằng cách ủng hộ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông Lu Xiang cho rằng biện pháp như vậy sẽ phản tác dụng và Nga không có dấu hiệu thỏa hiệp.
Ngoài ra, dù phương Tây có muốn mở rộng lệnh trừng phạt hơn nữa thì Trung Quốc cũng sẽ không nhượng bộ về vấn đề năng lượng. Nước này vốn mua hàng chục triệu tấn dầu từ Nga mỗi năm. "Đó là vấn đề chủ quyền", ông nói.
Phiên An (theo SCMP)