Xung đột giữa 2 quốc gia đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Biển Đen, khiến nguồn cung sụt giảm và gây ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính. Những nhà đầu tư với tâm lý lo ngại đang "cân đo" những thiệt hại do mâu thuẫn giữa 2 quốc gia, cùng với đó là khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục sau đại dịch của nền kinh tế. Đồng thời, giá hàng hóa tăng mạnh sẽ khiến một số nhà đầu tư và nhà kinh tế lo ngại rằng lạm phát còn tăng nóng hơn.
S&P GSCI - chỉ số theo dõi hợp đồng tương lai hàng hóa từ kim loại quý cho đến gia súc, đã tăng 29% trong quý I/2022, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 1990.
Chris Burton - giám đốc bộ phận hàng hóa và danh mục đầu tư toàn cầu tại Credit Suisse Asset Management, cho hay: "Khi cung và cầu bị thắt chặt, chúng ta còn đối mặt với một cú sốc cung khác, thì không có gì ngạc nhiên khi giá cả còn tăng mạnh hơn nữa."
Giá dầu thô của Mỹ đã tăng 33% lên 100,28 USD/thùng kể từ cuối năm ngoái và tăng tới 123,70 USD vào đầu tháng 3 - mức chưa từng có kể từ năm 2008. Theo đó, giá xăng cũng leo lên mức kỷ lục và điều này đã khiến người tiêu dùng tức giận.
Diễn biến của các chỉ số theo dõi giá hàng hoá.
Hiệu ứng gợn sóng từ giá năng lượng tăng cao nay đã lan sang cả các loại hàng hóa khác. Lúa mì tăng 31% trong năm nay và giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2010, trong khi ngô tăng 26%. Nhiều kim loại, như nhôm, đồng, niken và palladium, cũng ghi nhận mức cao mới.
Đà tăng này đã kéo dài sự hồi phục của năm ngoái - vốn được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng cao hơn khi nền kinh tế mở cửa sau đại dịch, đã diễn ra cùng thời điểm nguồn cung thiếu hụt do tắc nghẽn trong hoạt động vận chuyển và những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trong khi đó, xu hướng này lại trái ngược với diễn biến chung của thị trường hàng hóa trong thập kỷ qua khi nhiều năm chứng kiến cung vượt cầu đã đẩy giá thành xuống thấp. Đợt tăng giá gần đây thậm chí có thể thu hút một số nhà đầu tư đã né tránh thị trường hàng hóa trong những năm trước.
Karim El Nokali - chiến lược gia đầu tư tại Schroders, cho biết: "Thị trường hàng hóa có thể khiến một số nhà đầu tư cân nhắc lại. Họ sẽ đặt câu hỏi rằng liệu có nên đưa hàng hóa trở lại danh mục đầu tư khi lạm phát đang ở mức cao hay không."
Các quan chức Fed đang theo dõi sát sao đà tăng giá của nguyên liệu thô khi họ thực hiện lộ trình nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. NHTW đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng 3. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng báo hiệu khả năng NHTW tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Theo đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 3 năm. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, nếu Fed nâng lãi suất quá nhanh thì khả năng Mỹ sẽ rơi vào tình trạng lạm phát kèm suy thoái.
Cổ phiếu của các công ty khai thác và năng lượng so với S&P 500.
Thông thường, hàng hóa được coi là một khoản đầu tư có tính phòng hộ trước đà tăng của giá hàng hóa và dịch vụ. Theo dữ liệu của Refinitiv Liper đến ngày 30/3, nhà đầu tư đã đổ tiền vào các quỹ tương hỗ và ETF hàng hóa trong 12 tuần liên tiếp - khoảng thời gian dài nhất kể từ mốc 23 tuần kết thúc vào tháng 6/2021.
Một dấu hiệu khác cho thấy thị trường hàng hóa ở trạng thái cực kỳ khởi sắc đó là các hợp đồng tương lai của nhiều loại hàng hóa có thời gian giao hàng sớm đã có mức giá cao hơn so với các hợp đồng thời hạn vài tháng. Hiện tượng này được gọi là backwardation - xảy ra khi giá giao ngay của một tài sản cơ sở cao hơn giá đang được giao dịch tại thị trường tương lai. Điều này báo hiệu rằng các trader dự đoán rằng thị trường sẽ thiếu nguồn cung trong tương lai gần và giá cũng bị đẩy lên cao.
Nhóm được hưởng lợi từ việc các loại giá cả tăng cao đó là các công ty khai thác và năng lượng. Cổ phiếu của Freeport-McMoRan đã tăng hơn 9 lần so với mức thấp vào tháng 3/2020, nhờ giá đồng tăng. Trong khi đó, Devon Energy cũng giao dịch ở mức cao hơn 9 lần, còn Halliburton Co. và Marathon Oil Corp. cao hơn 7 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, việc giá hàng hóa tăng đột ngột có thể sẽ kết thúc nếu Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn hoặc Iran được tháo dỡ các lệnh trừng phạt và có thể cung cấp nhiều dầu hơn trong thị trường. Một số nhà phân tích lo ngại rằng người tiêu dùng có thể "thắt lưng buộc bụng" vì giá cao hơn. Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng đang làm giảm triển vọng về nhu cầu tiêu dùng.
Louise Goudy Willmering - chủ tịch công ty dịch vụ tư vấn đầu tư Crewe Advisors, cho hay: "Thị trường hàng hóa hiện đang rất nóng những dễ sụt giảm, rất khó để biết khi nào tình hình sẽ hạ nhiệt."
Tham khảo WSJ
http://tintuc.vdong.vn/04/1295897.htm