Quản lý thuế thương mại điện tử cần đảm bảo sự nhất quán về nguyên tắc quản lý thuế giữa các văn bản pháp luật - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về việc góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 126/2020/NĐ-CP và nghị định 123/2020/NĐ-CP về quản lý hoạt động sàn thương mại điện tử sau khi bộ này đã lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân.
Cụ thể, dự thảo yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân bao gồm cả trong nước và nước ngoài có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn. Tuy nhiên, VECOM cho rằng như vậy có thể dẫn đến mâu thuẫn với một số quy định hiện hành.
Theo quy định hiện hành về hoạt động thương mại điện tử thì "thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ". Do đó, các sàn thương mại điện tử không thuộc đối tượng là tổ chức, cá nhân trả thu nhập được nêu tại Luật thuế thu nhập cá nhân.
Trên thực tế, sàn thương mại điện tử không phải là đơn vị trả thu nhập mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối, tạo điều kiện cho việc thực hiện giao dịch giữa người bán và người mua.
Việc chuyển trách nhiệm kê khai, nộp thuế của người bán và trách nhiệm thu thuế của cơ quan thuế cho các sàn thương mại điện tử vừa tạo thêm gánh nặng cho các sàn thương mại điện tử, vừa mâu thuẫn với các quy định hiện hành về trách nhiệm kê khai, nộp thuế.
Do đó, VECOM đề nghị Bộ Tài chính bỏ quy định trên và thay thế bằng việc quy định kê khai thay, nộp thuế thay trên cơ sở ủy quyền theo quy định pháp luật dân sự.
Một quy định khác trong dự thảo mà VECOM cũng cho là bất cập: quy định sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm liên quan việc khai thuế nếu sàn không thực hiện kê khai thay, nộp thay thuế cho người bán.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau.
Tại các kiến nghị trước đây khi đóng góp ý kiến cho thông tư 40/TT-BTC, hiệp hội này và các hội viên tiếp tục bày tỏ lo ngại với quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử cung cấp các thông tin nhạy cảm của khách hàng như thông tin cá nhân, thông tin định danh và doanh thu của cả tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn theo định kỳ hằng quý.
Theo VECOM, đây là một yêu cầu chưa có tiền lệ, có thể mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành về bảo mật thông tin khách hàng.
Quy định này cũng sẽ tạo gánh nặng tuân thủ cũng như rủi ro rất lớn cho các sàn thương mại điện tử trong trường hợp dữ liệu của khách hàng bị lộ lọt. Bởi vì dữ liệu mà Tổng cục Thuế muốn các sàn thương mại điện tử cung cấp là tài sản và là bí mật kinh doanh của các sàn và khách hàng của họ.
Do vậy, VECOM đề nghị Bộ Tài chính cùng ban soạn thảo cân nhắc và làm rõ các biện pháp bảo mật thông tin và cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh. Trong trường hợp lộ lọt dữ liệu có thể xảy ra từ phía cơ quan nhà nước, gây tổn thất cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Từ những thực tế này, VECOM đề nghị ban soạn thảo làm rõ việc cung cấp thông tin chỉ áp dụng với các sàn thương mại điện tử không thực hiện kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn. Bên cạnh đó cần làm rõ cơ sở và cách tính doanh thu.
Hiện hơn 1.000 sàn thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công thương, phần lớn các sàn này đều cung cấp dịch vụ cho cả doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh trên sàn.
TTO - Gần 50% dân số Việt Nam sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, một tỉ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam rất lớn.