Theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ đầu tháng 4-2022, ngay sau khi vaccine ngừa COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, TP cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi.
Hiện có hai loại vaccine ngừa COVID-19 đã được Bộ Y tế đưa vào tiêm cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer (tiêm cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi) và vaccine Moderna (tiêm cho nhóm từ sáu đến dưới 12 tuổi).
Các địa phương triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không tiêm trộn hai loại vaccine
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vaccine Pfizer cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi có hàm lượng 10 mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên. Để tránh nhầm lẫn với vaccine dùng cho người lớn, lọ có nắp màu cam.
Vaccine được bảo quản ở nhiệt độ âm sâu từ -90°C đến -60°C, hạn sử dụng chín tháng kể từ ngày sản xuất, bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C, sử dụng tối đa 10 tuần. Vaccine đã rã đông không được bảo quản ở nhiệt độ âm. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tuần, các quốc gia khác hiện đang triển khai cách 3-8 tuần.
Còn vaccine Moderna tiêm cho trẻ nhóm này liều bằng một nửa người lớn, mỗi liều 0,25 ml chứa 50 mcg vaccine mRNA. Mỗi lọ đóng 10 liều 0,5 ml, tương đương với 20 liều cho trẻ nhỏ, không dành cho trẻ năm tuổi. Ở nhiệt độ 2-8 độ C, vaccine bảo quản được 30 ngày.
Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm hai mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Về kế hoạch triển khai tiêm, bà Hồng cho biết số lượng đăng ký tiêm của 63 tỉnh/TP là 11.809.740 trẻ. “63 tỉnh/TP sẽ bắt đầu tiêm từ tháng 4-2022 ngay sau khi được cung ứng vaccine. Triển khai trước cho nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng” - bà Hồng nói.
Những phản ứng có thể gặp sau tiêm
Thông tin về những phản ứng trẻ có thể gặp sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, bà Hồng cho biết thông qua báo cáo trên thế giới, hầu hết nhóm tuổi từ năm đến dưới 12 tuổi sau tiêm vaccine chỉ gặp các phản ứng thông thường đối với từng loại vaccine khác nhau.
Đối với vaccine Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm là đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ hai). Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000).
Với vaccine Moderna, các phản ứng rất thường gặp là sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (cổ/trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.
Phản ứng thường gặp là tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng hiếm gặp là giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da và phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
“Các quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ mới thực hiện đầu năm 2022 nên số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm còn đang cập nhật và đã ghi chép. Chưa ghi nhận báo cáo nào về phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim” - bà Hồng nhấn mạnh.
Trẻ mắc COVID-19 thường bị nhẹ nên miễn dịch chưa đầy đủ, kể cả ở người lớn thì miễn dịch tự nhiên của COVID-19 không chuẩn hóa bằng miễn dịch của vaccine. Khi một người đã có miễn dịch tự nhiên và được tiêm thêm vaccine không có nghĩa là virus sống trong cơ thể, do đó tính an toàn vẫn đảm bảo. Vì vậy, tiêm vaccine trên những người đã mắc COVID-19 là cần thiết. GS-TS PHAN TRỌNG LÂN, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |
Nhóm trẻ cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19
TS-BS Lê Kiến Ngãi, BV Nhi Trung ương, cho biết nhóm trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vaccine ngừa COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine; trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn; trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.
Đối với trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian ba tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể mà các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian này hay không. Việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.
Thời gian gần đây, nhiều trẻ sau khi mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa). Những trẻ này cần trì hoãn tiêm đến khi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý. Trẻ đã hồi phục nhưng vẫn tồn tại biểu hiện ở các cơ quan thì cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để thăm dò, xét nghiệm đầy đủ, sau đó tiêm cho trẻ tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Các trường hợp cần thận trọng tiêm chủng là nhóm trẻ tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; bé rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý… Những trẻ phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên ngoài trường hợp từng có hội chứng MIS-C còn gồm các trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim, phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc…), trẻ bị hội chứng MIS-C.•