Các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cho rằng việc siết tín dụng là cần thiết nhằm làm giảm sức nóng của thị trường địa ốc tại một số địa phương. Tuy nhiên, nếu siết chặt quá mức có thể khiến thị trường này đóng băng, ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà đất chính đáng của nhiều người.
Thị trường sẽ bị tác động
Ngân hàng Sacombank mới đây đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng này tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), Sacombank nêu rõ sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23-3 đến hết 30-6-2022.
Nhiều ngân hàng vẫn cho vay với nhà đất phục vụ cho nhu cầu chính đáng để ở của người dân. Ảnh: TL
Tương tự, trong thông báo mới đây của Ngân hàng Techcombank cũng nêu rõ: Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua BĐS đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua BĐS (gồm chưa và đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25-3-2022.
Trước đó, ngày 18-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm thực hiện Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ. Trong đó, cơ quan này yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh BĐS, chứng khoán; các dự án BOT, BT giao thông và trái phiếu DN.
Nhiều nhà đầu tư, công ty BĐS cho rằng việc siết cho vay sẽ gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng và tác động đến thị trường địa ốc. Anh Tuấn Minh ở quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: Hiện nay, một số ngân hàng không chỉ tạm dừng cho vay mới mà còn đưa ra các điều kiện cho vay BĐS rất ngặt nghèo, khó khăn hơn trước rất nhiều.
“Hơn nữa, tùy giá trị BĐS mà mức lãi suất cho vay sẽ khác nhau chứ không phải cứ mua nhà để ở là được hưởng các quyền lợi cho vay thông thường. Không những vậy, hạn mức cho vay đối với nhà đất cũng bị siết lại. Nếu trước đây ngân hàng cho vay khoảng 70% giá trị tài sản thì nay rút xuống còn khoảng 50%. Ví dụ, một căn hộ có giá trị trường khoảng 1 tỉ đồng thì ngân hàng chỉ cho vay 500 triệu đồng, thay vì khoảng 700 triệu đồng như trước đây” - anh Tuấn Minh dẫn chứng.
Đứng từ góc nhìn của DN, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cũng đánh giá rằng việc siết cho vay BĐS ngay lập tức sẽ tác động rất lớn đến cả khách hàng lẫn chủ đầu tư. Bởi nếu các công ty kinh doanh BĐS không được vay từ ngân hàng sẽ rất khó có nguồn lực để tạo lập quỹ đất và rất nhiều chi phí khác như xây dựng, bảo lãnh dự án... Như vậy, các chủ đầu tư chắc chắn sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn, dẫn đến nguồn cung nhà đất tung ra thị trường bị hạn chế.
“Còn với khách hàng cá nhân, nếu họ không được ngân hàng cho vay mua nhà thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của chủ đầu tư, dẫn đến cơ hội mua nhà để ở của người dân sẽ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, tôi được biết việc siết tín dụng vào nhà đất là chính sách của một số ngân hàng chứ không phải đại trà” - ông Phúc nói.
Quan trọng là cho vay đúng đối tượng
Chia sẻ về việc tạm dừng cho vay BĐS tới hết ngày 30-6, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết: Mỗi ngân hàng có một chiến lược cho vay riêng. Hiện nay, tỉ lệ tăng trưởng cho vay BĐS đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank đã nhiều rồi nên ngân hàng không muốn cho vay lĩnh vực này nữa mà tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS.
“Mặt khác, mới gần kết thúc quý I-2022 mà tín dụng đã tăng gần bằng room tín dụng NHNN giao rồi, do đó việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt thì chúng tôi vẫn thực hiện giải ngân như bình thường” - bà Diễm nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, giải thích rằng chính sách siết cho vay BĐS đã được các ngân hàng thực hiện từ vài năm nay trong bối cảnh sốt đất diễn ra ở một số tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, từ lâu NHNN đã có chủ trương kiểm soát chặt việc cho vay địa ốc. Tuy nhiên, với những khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở thì các ngân hàng vẫn cho vay bằng cách thiết kế nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm khách hàng này.
Còn với các chủ đầu tư phát triển dự án BĐS thì hơn một năm trở lại đây, OCB chủ yếu chỉ tập trung vào việc thu nợ, quản lý dự án cho vay cũ. Chủ đầu tư được vay mới phải là khách hàng thực sự có uy tín, năng lực tài chính mạnh, sản phẩm đã có chỗ đứng vững trên thị trường. Ngoài ra, ngân hàng còn có chính sách siết cho vay ngoài địa bàn.
“Tức là chúng tôi chỉ cho vay đối với các khu vực lân cận đô thị, nơi mà khách hàng có thể mua đất đai, nhà cửa để ở. Chúng tôi không có chủ trương cho vay với những khách hàng không có tên tuổi trên thị trường, khách hàng mua BĐS nhằm mục đích đầu cơ hay vay mua đất ruộng vườn. Chính vì vậy mà trong năm năm trở lại đây, chúng tôi chưa có bất cứ một khách hàng là DN nào vay BĐS mà phát sinh nợ xấu” - lãnh đạo Ngân hàng OCB khẳng định.•
Theo kết quả cuộc điều tra về xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng công bố mới đây, các ngân hàng đều dự kiến sẽ giảm tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm nay sẽ giảm xuống khoảng 23,8% thay vì gần 30 % cùng kỳ năm ngoái. Lý do đây là lĩnh vực được dự báo có mức độ rủi ro gia tăng. Nhu cầu mua nhà đất chính đáng vẫn vay bình thường Theo báo cáo của NHNN, tín dụng BĐS có xu hướng giảm về tỉ trọng những năm gần đây, từ mức 26% năm 2018 xuống còn gần 11,90% năm 2020. Đến năm 2021, tăng trưởng tín dụng hoạt động cho vay nhà đất duy trì ở mức khoảng 12%. Trong những năm qua, NHNN đã nhiều lần yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt hoạt động cho vay BĐS nhằm giảm rủi ro nhưng không cấm hay dừng hoàn toàn. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định trong năm nay, cơ quan này sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào BĐS có tính chất đầu cơ. Còn với BĐS phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội… thì các ngân hàng vẫn cho vay bình thường. |