Khi bị hành hạ, cô hay nguyện cầu Chúa - Ảnh: NVCC
Những năm tháng mà tôi phải biết ơn từng giờ từng phút không bị sợ hãi, đau đớn, nhục nhã. Những năm tháng mà tôi cầu xin Chúa trừng phạt bố...
Tôi đã làm gì sai?
Trong khoảng thời gian dài này, tôi đã tự đặt cho mình hàng ngàn câu hỏi, câu hỏi sau bất lực hơn câu hỏi trước, để tìm kiếm một nguyên cớ mà tôi không thể nhận ra. Liệu tôi đã làm gì sai? Liệu có phải bố giận tôi và muốn trừng phạt tôi? Hay liệu ông ấy thể hiện tình yêu của ông với tôi bằng cách đó?
Liệu có phải lời cầu nguyện của tôi đã bị Chúa Trời hiểu lầm, khi tôi ước gì được bố tôi sẽ nói một điều gì đó "âu yếm" đối với tôi? Rốt cuộc thì ông cũng đã gọi tôi là em yêu... Liệu những việc như vậy có thể là bình thường?
Tôi thường khẩn cầu những đấng hộ mệnh của tôi mà tôi tưởng tượng đang có ở trên trời cao sẽ giải thoát tôi khỏi nanh vuốt của con quỷ đội lốt người đã biến cuộc sống của tôi thành địa ngục bấy lâu nay.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan mà tôi phải đối mặt không thể nào khắc phục được.
Một mặt, tôi không muốn gây sự chú ý, không phải là ở nhà vì sợ bị mẹ ruồng bỏ, không phải ở trường học vì sợ sẽ bị đẩy hẳn ra ngoài lề. Mặt khác, tôi khao khát có dịp tâm sự với một người rốt cuộc sẽ chấm dứt nỗi đau khổ của tôi.
Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi hoài nghi liệu bao giờ mình có thể diễn tả được thành lời cuộc tuẫn nạn mà tôi đang phải trải qua. Tôi luôn cảm thấy trên khắp cơ thể đang đầy rẫy những dấu vết lạm dụng.
Tôi nghĩ chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi ai sẽ nhận ra và hỏi tôi về điều này. Sẽ có một người có thể hiểu tôi mà không cần có lời nói.
Vì vậy, tôi chờ đợi một cái nhìn nghiêm khắc hơn từ một người ngoài, hoặc câu hỏi tầm thường như: Em có khỏe không? Tôi đã chờ đợi trong vô vọng.
Mọi người xung quanh tôi đã quá bận rộn với bản thân để có thể nhận ra một điều gì, và với tôi càng giữ bí mật khủng khiếp này cho riêng mình bao nhiêu thì hy vọng cứu rỗi lại càng cạn kiệt.
Ngày này qua ngày khác, tôi tiếp tục thể hiện bộ mặt của một đứa trẻ hạnh phúc, mặc dù càng ngày tôi càng cảm thấy cô đơn và bị cả thế giới bỏ rơi.
Để không bị chìm hẳn xuống đáy vực, tôi níu giữ lấy cho mình tất cả những gì đẹp đẽ: sáu chiếc kẹo cho ngày sinh nhật của tôi, con búp bê đầu tiên của tôi, bàn tay ấm áp của mẹ Loan vuốt ve tôi khi bà đung đưa ru tôi vào giấc ngủ.
Tôi tự nhủ rằng không phải tất cả mọi người đều xấu. Tôi tự nhủ mình là người có hai dòng máu Âu-Á, và tôi phải tự mình vượt qua hết mọi khổ ải.
Tác giả ký tặng sách cho các bạn trẻ ở TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN Á
Đơn độc và không đơn độc
Nếu như ở nhà của mình không còn được bảo vệ, thì ít nhất tôi cũng còn có trường học để có chút cảm giác nương tựa. Khi quá chán nản, tôi không để cho ai nhận biết điều đó. Hầu như tôi đánh lừa được mọi người, ngoại trừ một lần bạo hành đặc biệt nghiêm trọng của bố.
Trong lần trò chuyện đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh về chủ đề quà tặng, những ánh mắt sáng ngời của các bạn cùng lớp đã khiến cho tôi bải hoải và không còn chút sinh lực nào. Khi đến lượt mình, tôi đã nhỏ nhẹ như một lời thú tội: "Tôi không nhận được gì hết".
Mọi người im bặt, một số thì cười vì không thể tin. "Có phải vì bạn đã không ngoan?", có người hỏi tôi.
Tôi im lặng và nghĩ: Đâu phải vậy. Tôi đang quá mệt mỏi để có thể nói dối các bạn, để cho những ước mơ về tình yêu và sự gắn bó của các bạn không bị tan vỡ, để thế giới bình an của các bạn không bị sụp đổ, như nó đã từ lâu sụp đổ với tôi.
Các bạn tuyệt nhiên không biết điều tôi đang phải trải qua, về chốn địa ngục đang chờ tôi mỗi khi tôi về nhà. Các bạn chỉ quan tâm đến những món quà. Tôi thực sự phát ngán với mọi thứ, vì vậy hãy để tôi yên!
"Em thực sự không nhận được gì sao?", cô giáo lặp lại câu hỏi giữa tiếng cười khúc khích của một số bạn gái, vừa ngạc nhiên nhưng cũng vừa thích thú, như thể tôi vừa nói đùa vậy.
"Không", tôi trả lời một cách nghiêm trang nhất có thể. "Ở nhà chúng tôi không có lễ Giáng sinh và cũng không tặng quà".
Phòng học im như tờ. Sau đó cả một làn sóng cảm xúc bàng hoàng trào lên, những đứa trẻ bức bối đặt rất nhiều câu hỏi cho tôi và cô giáo. Tôi thấy nước mắt cô giáo trào ra, và trong giây lát tôi đã băn khoăn liệu có nên chia sẻ với cô sau buổi học hay không.
Tuy nhiên, cô đã sớm trấn tĩnh trở lại và nói: "Yên lặng đi các em! Làm ơn im lặng nào! Trên thế giới rộng lớn này có nhiều quốc gia khác nhau và phong tục các nơi cũng khác nhau. Chúng ta phải tôn trọng điều đó. Nhưng bây giờ thì hãy kết thúc chủ đề này! Hôm nay chúng ta học...".
Việc cô ám chỉ văn hóa nước ngoài của mẹ tôi như một lời giải thích khiến tôi bị xúc phạm. Do vậy tôi từ bỏ luôn ý định giãi bày bí mật của mình. Tôi giận dữ với bản thân, vì trong một khoảnh khắc trước đó tôi đã chớm có một hy vọng...
Sau giờ nghỉ trưa, tôi đứng một mình trong sân trường. Nadège, một bạn gái cùng lớp mà tôi hiếm khi chơi cùng, đến gặp tôi. Cô ở gần trường và mới từ nhà quay trở lại.
"Isa thân mến", cô nói với một nụ cười rạng rỡ, "Tớ chúc bạn một Giáng sinh vui vẻ! Cầm lấy, tớ có cái này cho bạn!". Sau đó cô đưa cho tôi một chiếc túi nhỏ bằng vải tuyn trắng, thắt một chiếc nơ màu đỏ và vàng rất đáng yêu. "Đây chỉ là một món quà nhỏ", cô nhanh nhảu nói thêm.
Tôi ngạc nhiên mở gói quà và thấy năm thanh sôcôla. "Tại sao?", tôi hỏi.
"Câu chuyện sáng nay làm mình không yên lòng. Mình đã nói chuyện với mẹ mình. Mẹ mình nói rằng thật không công bằng khi một số trẻ em được cho rất nhiều quà còn những đứa trẻ khác lại chẳng có gì. Đó là lý do tại sao bạn cũng nên có được một Giáng sinh!".
Tôi bồi hồi nhận món quà. Bản thân Nadège cũng xúc động đến mức cô ấy bắt đầu khóc.
Có lẽ, tôi nghĩ vậy, cử chỉ này là một dấu hiệu để nhắc nhở tôi rằng mình không đơn độc. Nó đã tiếp cho tôi dũng khí. Từ đó tôi cố gắng giữ thói quen có được một ý nghĩ tốt lành trước khi chìm vào giấc ngủ.
Vẫn còn tình yêu
Những câu hỏi của tôi, những lời khẩn cầu trong ba năm của tôi rơi tõm vào hư vô. Không có thiên thần hộ mệnh nào từ trên trời được giáng xuống, không có người anh hùng nào phi ngựa nước đại đến cứu tôi. Không hề có một ai.
Bố tôi tiếp tục tận hưởng những tưởng tượng bệnh hoạn của mình cho đến khi ông mắc bệnh ung thư. Đối với tôi, đó là sự công bằng của Đức Chúa Trời và sự đền đáp cho những lời cầu nguyện của tôi.
Tôi đến thăm và mang cho ông một điều bất ngờ - học bạ học kỳ I của mình - nhưng ông quá yếu để đọc. "Đừng bận tâm, bố!", tôi nói và mỉm cười với ông. "Bố chỉ cần biết: trong đó chỉ toàn điểm 10!".
Cái nháy mắt của bố nói với tôi rằng ông đang hạnh phúc, hoặc ít nhất là tôi nghĩ như vậy. Sự bất lực của bố khiến tôi đau lòng, nhưng hơn thế, tôi hối hận vì không nói được điều muốn nói: "Con xin lỗi bố, con không muốn như vậy. Hãy quên những gì đã xảy ra! Con không giận bố. Bố ơi, bố không được chết, con yêu bố!".
Con không giận bố - không, điều đó không đúng. Tôi đã căm thù ông một cách bất lực, nhưng trong lòng tôi cũng tràn đầy tình cảm yêu thương. Đã ba năm trôi qua từ đó. Ba năm mà tôi chỉ mong sẽ xóa sạch khỏi tâm trí. Ba năm mà tôi thù hận bố.
********
Tôi tháo chốt cửa. Ngay sau đó hơi thở của tôi nghẹn lại. Cơ thể tôi cứng đờ, như thể bị đóng băng: Trước mặt tôi là bố. Một mình!...
>> Kỳ tới: Trở lại địa ngục
TTO - Có mẹ người Việt, bố người Pháp, nay đang là một doanh nhân thành đạt tại Đức, nhưng Isabelle Müller đã không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình: gia đình nghèo túng cơ cực, môi trường phân biệt chủng tộc, người cha thô lỗ, độc ác...
Xem thêm: mth.70361859110402202-ob-tahp-gnurt-auhc-nix-uac-iot-2-yk-gnaoh-gnouhp-mihc-auc-iag-noc/nv.ertiout