Người Đức vốn có khuynh hướng lo lắng về lạm phát. Hiện tại, có rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ hàng năm hơn 5%. Giá sản xuất ở Đức cũng tăng gần 26% so với cùng kỳ tháng 2 năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1949, báo hiệu lạm phát giá tiêu dùng có thể còn tăng cao hơn nữa.
Điều đó khiến người Đức cảm thấy bất an khi 3.000 tỷ euro (3.300 tỷ USD) tài sản hộ gia đình Đức được giữ dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Số tiền này thu được lợi suất thấp hoặc âm.
Vì vậy, nhiều người Đức đổ tiền mặt để mua nhà ở, thứ được ví như "vàng bê tông" vì tính chất giữ được giá trị của nó. Nhưng một danh từ khác miêu tả sống động tâm trạng hiện tại của người dân: Torschlusspanik – nỗi lo sợ cánh cửa sắp đóng sập.
Những người tìm mua nhà để trú ẩn khỏi lạm phát cho biết họ tham gia khá muộn. Giá nhà đã tăng trong hơn một thập kỷ qua và có tốc độ tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây. Chỉ số Europace về giá nhà ở Đức vào tháng 2 cao hơn gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Người đứng đầu bộ phận bất động sản của Postbank, Eva Grunwald, cho rằng mức tăng mới nhất là do lo lắng về lạm phát và lãi suất tăng.
Chi phí xây dựng tăng lên và sự thiếu hụt nhà mới cũng là nguyên nhân dẫn đến giá nhà tăng. Các chủ nhà có thể không muốn bán những căn hộ của mình vì tiền mặt thu được sẽ nhanh chóng mất giá. Danh sách nhà ở trên cổng thông tin bất động sản nổi tiếng của Đức Scout24 SE đã giảm 12% vào năm 2021.
Trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng lạm phát tăng phi mã sẽ thúc đẩy đợt mua bán hoảng loạn hơn. Điều này có thể khiến giá nhà vượt quá mức được chứng minh bởi các yếu tố cơ bản về tài chính, làm tăng nguy cơ điều chỉnh giá. Nếu điều đó xảy ra, nhà ở có thể không còn là nơi lưu giữ giá trị mà người mua mong đợi. Các cơ quan có quyền cảnh giác nhưng can thiệp của họ cho đến nay không đủ làm vỡ bong bóng.
Năm 2008, người dân Berlin hiếm khi bàn luận về giá nhà. Thị trường bất động sản chùng xuống trong nhiều năm và giá thuê nhà thấp đến mức khó tin. Nhìn lại thì đó là thời điểm tuyệt vời để mua nhà. Kể từ đó, lãi suất thế chấp giảm, kết hợp với nhu cầu mạnh mẽ về nhà ở đô thị đã tạo nên sự bùng nổ đáng kinh ngạc.
Giá nhà ở trung bình đã tăng hơn gấp đôi. Ở các khu phố giàu có tại Berlin và các thành phố lớn khác, giá nhà còn tăng nhiều hơn nữa. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở với khoảng 300.000 căn mỗi năm thấp hơn 25% so với mục tiêu của chính phủ mới.
Tuy nhiên, sẽ là nói quá khi cho rằng Đức đã trở thành quốc gia của những kẻ đầu cơ bất động sản. Nước này vẫn có tỷ lệ sở hữu nhà thấp nhất trong Liên minh châu Âu. Mức trung bình của EU là 70% và khoảng 65% hộ gia đình Mỹ sở hữu bất động sản. Ở Đức, con số này là khoảng 50%.
Người Đức không chuyển nhà để kiếm lợi nhuận nhanh chóng vì chi phí giao dịch và thuế cao. Các tiêu chuẩn cho vay cũng vẫn khá vững chắc. Người đi vay thường đặt cọc 20% và chọn trả nợ khá nhanh.
Tin xấu là những ngôi nhà đã trở nên đắt đỏ. Theo nghiên cứu được Hiệp hội German Pfandbrief Banks (VDP) công bố năm 2021, một ngôi nhà hoặc căn hộ có người sở hữu có giá khoảng 422.000 euro. Yêu cầu đặt cọc là khoảng 84.000 euro. "Vàng bê tông" trở thành hàng rào chống lạm phát chỉ dành cho người giàu có.
Năm ngoái, thủ đô tài chính Frankfurt của Đức đã dẫn đầu cuộc khảo sát hàng năm về thị trường nhà đất đô thị. Khảo sát cho thấy giá cả được điều chỉnh theo lạm phát tăng 10% hàng năm kể từ năm 2016. Munich giàu có của Đức xếp thứ tư, sau Toronto và Hồng Kông.
http://tintuc.vdong.vn/04/1298356.htm