"Loạn" thị trường bất động sản
Theo phản ánh của tờ Diễn đàn doanh nghiệp, tại Hải Phòng, việc mọi người tập trung vào mua bán khiến giá bất động sản bị đẩy lên và tăng liên tục. Giá tăng, người có tiền lại tiếp tục đầu tư vào bất động sản như là cách tích lũy của cải.
Thêm nữa, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến một giao dịch bất động sản có thể được chia sẻ cùng lúc trên nhiều hội nhóm, trang cá nhân với những chào mời về sức hấp dẫn, tính thanh khoản cao. Mỗi ngày giá sản phẩm lại được nhích lên một giá khác nhau, tạo lên cơn sốt.
Giá đất tại nhiều địa phương bị thổi lên cao, thậm chí rất cao đến mức phi thực tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hải Phòng chỉ là một trong nhiều địa phương nơi sốt đất diễn ra. Đây cũng mới chỉ là việc nâng giá, đầu tư, lướt sóng đơn thuần theo diễn biến thị trường. Điều đáng quan tâm hơn là ở một số địa phương khác, xuất hiện những sai phạm trong quản lý đất đai như tại tỉnh Đắk Lắk, một chủ tịch phường đã bị cách chức do các sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng tại địa phương.
Theo quyết định kỷ luật, Chủ tịch phường Thành Nhất của tỉnh này có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo quản lý sử dụng đất đai; thiếu kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng, đã có nhiều trường hợp người dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không bị xử lý.
Chính quyền phường đã để giới đầu cơ tự ý mở đường, phân lô chia tách thành nhiều thửa đất nhỏ, dẫn đến hình thành các khu dân cư trên đất nông nghiệp.
Giá đất tăng nóng đã khiến nhiều người làm liều, tự ý xây dựng, rồi tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Điều này không chỉ làm xáo trộn thị trường mà còn khiến giá bất động sản tăng quá cao, những người có nhu cầu thật về đất đai lại khó có thể mua được.
Tình trạng trên được báo Vietnamnet mô tả một cách rất cụ thể qua bài viết với dòng tít "Giá đất tăng phi mã, giật mình tiết kiệm 5 năm không mua nổi miếng đất quê".
Bài viết cho biết, nhiều người đi làm ăn xa, sau vài năm trở về quê, mới thấy ngỡ ngàng vì giá đất tăng cao quá. Giá đất tăng từ 2 - 5 lần, vài trăm triệu tiết kiệm được cũng chẳng mua nổi một mảnh đất trong ngõ, đừng nói tới những mảnh đất phân lô tại các khu đô thị. Có người ngao ngán, ở thành phố mua đất, mua nhà đã khó, mà về quê cũng không dễ hơn. Giá cả thế này, chẳng biết bao giờ mới có mảnh đất cắm dùi.
Chặn chiêu trò thổi giá đất
Đáng mừng là những tâm tư của người dân, những người có nhu cầu thật chứ không phải đầu cơ, nhưng tài chính lại hạn chế đã đến được với chính quyền. Chính vì lẽ đó mà nhiều biện pháp đã được ghi nhận từ phía chính quyền địa phương. Đã đến lúc phải chặn đứng cơn sốt đất.
Trước vấn nạn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phân lô, bán nền không đúng quy định pháp luật đất đai, mới đây, thành phố Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất có đất ở và đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở; chỉ tiếp nhận, giải quyết với đất ở đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũng ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp. Tỉnh Khánh Hòa thì yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có.
Chuyên gia nhận định, chỉ nên sử dụng cách phân lô, bán nền ở một số vùng nông thôn đang cần đất ở cho các hộ gia đình tách ra từ một hộ, không mang tính thị trường. Còn việc cho phép phân lô, bán nền khiến người dân tích tiền trong đất, để nguyên đất mà không xây dựng hạ tầng phát triển kinh doanh, điều này chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn, lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
Mặc dù vậy, tạm dừng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, vì thực tế pháp luật hiện nay không cấm hoạt động này. Vì vậy, giải pháp lâu dài là Nhà nước cần phải xây dựng công cụ thuế để ngăn chặn việc đầu cơ đất đai.
Đã đến lúc phải chặn đứng cơn sốt đất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Siết đầu cơ vào bất động sản
Theo tờ Sài Gòn giải phóng, trước mắt, việc bắt buộc kê khai thuế nêu trên sẽ góp phần hạn chế vấn nạn đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, để có giải pháp căn cơ cần ban hành các luật đánh thuế tài sản, đánh thuế lũy tiến với người sở hữu nhiều nhà đất. Từ đó sẽ siết đầu cơ vào bất động sản, uống nắn dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh.
Đầu tư vào bất động sản cần vốn và nguồn vốn này có thể tìm được từ các ngân hàng. Tuy nhiên, với những yêu cầu về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, các Ngân hàng cũng đã có động thái siết chặt mảng cho vay bất động sản nhằm kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực này.
Tờ Tuổi trẻ cho biết, trong khi một số ngân hàng thông báo "khóa van" tín dụng bất động sản nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, nhiều ngân hàng khác cho biết chỉ cho vay với những khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở, đồng thời nói không với cho vay đầu cơ bất động sản.
Với các giải pháp, dù là trước mắt, từ phía chính quyền, cũng như của các ngân hàng hy vọng rằng, tình trạng bát nháo, sốt nóng trong lĩnh vực đất đai hiện nay sẽ được khắc phục. Những người dân, có nhu cầu thực sự về đất ở, có thể tìm được một mảnh đất phù hợp với khả năng tài chính của mình, thay vì cứ phải chạy theo mức giá trên trời từ phía các cò đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.46654240130402202-nas-gnod-tab-oc-uad-teis-tad-tos-gnud-nahc/et-hnik/nv.vtv