Tất cả những điều đó đã đặt ra một câu hỏi: Nếu không có sức mạnh không quân đáng kể từ niềm hy vọng ở chiến đấu cơ F-16 - trụ cột của các chiến thuật chiến tranh mà phương Tây thúc giục Ukraine áp dụng, liệu cuộc phản công có thể thắng thế?
Drone có thay thế được F-16?
Câu trả lời dường như là có với người Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn của báo New York Times, các quan chức Ukraine, Mỹ và châu Âu, cũng như các nhà phân tích quốc phòng phương Tây, cho biết hỏa lực pháo binh và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) cũng đủ tạo được sức công phá mạnh cho Ukraine.
Cựu tướng không quân Mỹ Philip M. Breedlove và là cựu chỉ huy NATO, giải đáp: Dù không có F-16, Ukraine vẫn có thể làm được bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn drone và pháo binh.
Tuy nhiên, nếu không có chiến đấu cơ F-16, lực lượng phản công sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi không tạo được đột phá lớn.
Ông Breedlove, một cựu phi công F-16, cho biết các lực lượng của Ukraine sẽ có lợi lớn khi học và triển khai cái gọi là chiến thuật vũ khí kết hợp - vốn là xương sống của chiến tranh mặt đất hiện đại.
Dù vậy, ông vẫn nói thêm: "Nếu muốn Ukraine chiến đấu như chúng ta chiến đấu, thì họ phải có những công cụ mà chúng ta có, và chúng ta đã không trao cho họ những công cụ đó".
Tướng Valery Zaluzhny, chỉ huy hàng đầu của Ukraine, cũng đưa ra quan điểm tương tự với sự thất vọng đáng kể.
Một số chuyên gia cho biết việc thiếu hụt sức mạnh không quân khiến Ukraine gặp bất lợi trong mùa hè này khi các máy bay trực thăng tấn công của Nga hạ gục xe tăng và xe bọc thép của Ukraine.
Đồng quan điểm trên, đại tá Markus Reisner ở học viện huấn luyện quân sự chính của Áo, nói: "Với nhiều chiến đấu cơ hơn, Ukraine có thể bảo vệ tốt hơn lực lượng bộ binh của mình trước những cuộc tấn công đó. Logic quân sự cho biết Ukraine phải có ưu thế trên không để tiến hành các chiến dịch trên bộ thành công".
"Mặt trận trên không vẫn yên tĩnh", vì sao?
Kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2-2022, không chỉ Ukraine, mà Nga dù có lợi thế dường như áp đảo, đều không giành được ưu thế trên không.
Vào thời điểm đó, Nga có số lượng máy bay chiến đấu nhiều gấp 10 lần Ukraine: 772 chiếc so với 69 chiếc, trong đó một số máy bay có công nghệ tiên tiến hơn hẳn của Ukraine, theo Chỉ số Hỏa lực toàn cầu.
Tuy nhiên, trong 18 tháng kể từ đó, cả hai bên đều dựa vào pháo binh, máy bay không người lái và tên lửa tầm xa để tấn công.
Đó là vì cả Ukraine với tên lửa Patriot, và Nga với hệ thống phòng không S-400, đều có khả năng phòng không đáng gờm. Các vũ khí này phần lớn đã ngăn cản đôi bên tiến hành các cuộc không kích gần hoặc phía sau chiến tuyến bằng máy bay chiến đấu được điều khiển.
Trước những hạn chế đó, một quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết không rõ liệu lực lượng của Ukraine có thể hỗ trợ cho bộ binh ngay cả khi họ có F-16 hay không.
Ukraine trở về với "đường xưa lối cũ"
Sau khi Ukraine chịu tổn thất nặng nề ngay từ đầu trong cuộc phản công do cố gắng thực hiện theo cách tiếp cận vũ khí tổng hợp, một số chỉ huy đã quyết định từ bỏ chiến thuật mới của phương Tây.
Họ quay trở lại chiến thuật cũ mà họ biết, đó là bắn pháo và tên lửa để làm suy giảm khả năng chiến đấu của Nga trong một cuộc chiến tiêu hao.
Đây không phải là điều gây ngạc nhiên đối với các chuyên gia quân sự - những người vẫn tin rằng vấn đề không chỉ nằm ở việc không có sức mạnh không quân.
Mới chỉ có 8 phi công Ukraine thành thạo tiếng Anh được tham gia khóa huấn luyện lái F-16. Số còn lại chỉ nói được chút ít nên phải học tiếng Anh trước.