Ngày 29-3, Đức tuyên bố tình trạng khẩn cấp giai đoạn 1, trong bối cảnh Nga yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Đây là giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn khẩn cấp về năng lượng theo luật của Liên minh châu Âu (EU) và Đức.
Các đường ống trong dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2
ở Lubmin (Đức) ngày 15-2. Ảnh: AP
Giai đoạn 1 là cảnh báo sớm, khi có dấu hiệu cấp cứu từ nguồn cung cấp. Giai đoạn 2 là báo động, khi có sự gián đoạn nguồn cung hoặc nhu cầu cao bất thường làm đảo lộn sự cân bằng thông thường nhưng vẫn có thể được sửa chữa mà không cần can thiệp.
Giai đoạn 3 là khẩn cấp, khi các biện pháp dựa trên thị trường không khắc phục được tình trạng thiếu hụt. Ở giai đoạn này, cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng của Đức, Bundesnetzagentur, phải quyết định cách phân phối nguồn cung cấp khí đốt còn lại trên toàn quốc, theo hướng ngừng cung cấp cho công nghiệp để bảo vệ các hộ gia đình.
Cùng ngày, các đại diện công đoàn công nghiệp hàng đầu của Đức họp báo chung cảnh báo rằng hậu quả từ việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga sẽ “không chỉ làm giảm giờ làm và mất việc mà còn nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ của các chuỗi sản xuất công nghiệp ở châu Âu, gây hậu quả trên toàn thế giới”.
Sang ngày 30-3, Áo theo chân Đức ra cảnh báo giai đoạn 1 tương tự. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cam kết rằng “mọi thứ sẽ được thực hiện để đảm bảo cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp của Áo”.
Ông cho biết một “nhóm xử lý khủng hoảng” đặc biệt đã được triệu tập để giám sát chặt chẽ tình hình và “nếu cần thiết thì có thể thực hiện các biện pháp khác để tăng cường an ninh nguồn cung”. Nếu có xảy ra gián đoạn, các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích tìm kiếm các giải pháp thay thế. Việc phân bổ khẩu phần khí đốt cho các hộ gia đình sẽ không xảy ra khi chưa tới giai đoạn 3.