Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban thường vụ và lãnh đạo TP Hà Nội - Ảnh: TTXVN
Ngày 1-4, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về đề án tổng kết nghị quyết về phát triển thủ đô giai đoạn 2011-2020 và thống nhất ban hành nghị quyết phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xung quanh sự kiện này, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Nghị - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội.
Hà Nội là thủ đô, trái tim của cả nước, thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, thành phố vì hòa bình. Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam.
* Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, trong đó 5 năm trực tiếp là người đứng đầu Đảng bộ thủ đô, ông thấy TP đã đạt được những thành tựu và còn những khó khăn, hạn chế gì?
- Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân, sau 10 năm thực hiện nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, TP đã thu được những kết quả khá toàn diện. Vai trò, vị thế, uy tín của thủ đô ngày càng được nâng cao ở trong nước và quốc tế.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do tác động của tình hình chính trị, kinh tế quốc tế, do thiên tai và dịch bệnh kéo dài nhưng kinh tế thủ đô vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,8%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Cùng với việc giữ vững vai trò, vị thế về chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... sự đóng góp về ngân sách, kinh tế đối với trung ương ngày càng tăng cao. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 được trên 267.000 tỉ đồng, bằng 17,1% tổng thu cả nước. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ... luôn giữ vị trí dẫn đầu cả nước.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới tích cực; công tác xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị... có nhiều tiến bộ. Thu nhập bình quân đầu người, cuộc sống người dân được cải thiện, nâng cao.
Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, so với yêu cầu và đòi hỏi đặt ra, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu TP chưa đạt được. Mặc dù có nhiều thuận lợi cả về tiềm năng và lợi thế nhưng tốc độ phát triển kinh tế còn thua kém nhiều tỉnh thành. Vai trò đi đầu, dẫn đầu, làm hạt nhân, trung tâm kết nối kinh tế - xã hội vùng thủ đô và cả nước còn nhiều hạn chế.
Công tác xây dựng Đảng và quản lý quy hoạch, quản lý đất đai... còn nhiều yếu kém, bất cập. Vai trò đi đầu trên một số lĩnh vực như văn hóa, xã hội, quản lý đất đai, môi trường... chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi.
* Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết, tầm quan trọng nghị quyết mới của Bộ Chính trị đối với phát triển Hà Nội trong giai đoạn tới?
- Với tiềm lực và những lợi thế vốn có; vị trí, vai trò là thủ đô, những yêu cầu, đòi hỏi cao mà trung ương và cả nước đặt ra cho Hà Nội là sự xác định vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của thủ đô đối với cả nước. Hà Nội có vinh dự, trách nhiệm phải đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong nhiều mục tiêu, nhiệm vụ Đảng bộ và nhân dân thủ đô cùng cả nước phấn đấu thực hiện, một trong những nhiệm vụ lớn, bao trùm là phải nung nấu, quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển thủ đô nói riêng, đất nước nói chung mạnh giàu, văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị.
So với các tỉnh thành trong cả nước, Hà Nội có nhiều thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh để thực hiện thành công những mục tiêu lớn lao ấy.
Nguyên Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị - Ảnh: THÀNH CHUNG
Sau 10 năm làm bí thư Hà Nội, tôi có cảm giác bao trùm là áp lực công việc hằng ngày rất lớn, gấp vài chục lần các tỉnh thành nhỏ. Trừ lúc ngủ còn thức dậy là thấy công việc, thấy việc này, việc kia cần phải làm hoặc vì sao làm chưa được. Khi nhận nhiệm vụ bí thư Hà Nội, tôi đã ý thức được tính chất khó khăn khi làm ở thủ đô và luôn xác định cho mình quyết tâm rất lớn, kiên trì. Đặc biệt, phải quy tụ mọi người cùng làm may ra mới làm hết những việc quan trọng, cần thiết của Hà Nội chứ không làm hết mọi việc được.
Nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội PHẠM QUANG NGHỊ
* Theo mục tiêu đề ra đến năm 2030 - 2045, Hà Nội sẽ đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trung tâm, động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển vùng, cả nước và trở thành TP kết nối, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Đồng thời, trở thành TP vì con người, văn hiến, thanh lịch, sáng tạo, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao... Điều này đòi hỏi cần phải có những chính sách, giải pháp thế nào, thưa ông?
- Để làm tốt hơn nữa những yêu cầu, đòi hỏi ấy, TP rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, nhất là các bộ ngành, của nhân dân cả nước. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh các bộ, ngành trung ương luôn phải coi nhiệm vụ xây dựng và phát triển thủ đô là nhiệm vụ của chính mình, chứ không phải chỉ là sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Với vai trò, vị trí, tầm quan trọng và tính chất đặc thù của thủ đô, rất cần sự sâu sát hơn nữa với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển thủ đô trong những năm tới đây.
Bên cạnh những cơ chế, chính sách chung, Hà Nội rất cần bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù. Đó không phải là sự ưu ái, ưu tiên, là sự động viên, khích lệ chính trị, tinh thần mà là đòi hỏi khách quan của yêu cầu xây dựng, phát triển thủ đô.
Nói một cách khái quát, ngoài những điều kiện và các nguồn lực hiện có, Hà Nội rất cần có một sự phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Nó còn quan trọng hơn cả sự ưu tiên đầu tư tài chính, ngân sách, nhằm tạo cho TP được chủ động nhiều hơn, chịu trách nhiệm cao hơn, đồng thời cũng chịu sự giám sát thường xuyên, kịp thời để TP thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được trung ương và cả nước giao cho.
Một góc thủ đô Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
* Bên cạnh cơ chế, chính sách vai trò của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển của thủ đô. Ông nhìn nhận thế nào về điều này với Hà Nội trong thời gian tới?
- Trong mọi lúc, mọi nơi, các nhân tố khách quan lẫn chủ quan đều có thể tác động đến việc hoàn thành nhiệm vụ nhưng vai trò nhân tố con người, nhất là người đứng đầu luôn có ý nghĩa quyết định nhất. Có nơi phong trào đang yếu kém, trì trệ nhưng khi thay người đứng đầu mọi việc sẽ được chuyển biến tích cực, tiến bộ khác trước.
Bố trí đúng người, đúng việc cùng với điều đó là không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất giúp cán bộ phát huy được năng lực và trách nhiệm hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Một cơ chế chính sách tốt giống như trong trận bóng đá, nó sẽ phát huy được sự cống hiến tốt nhất của mọi cầu thủ chứ không phải chỉ là những ngôi sao.
Những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với người lãnh đạo về đức và tài, về tư duy, tầm nhìn, tinh thần trách nhiệm... bao giờ cũng là mong muốn không chỉ đối với bộ máy lãnh đạo, quản lý nói chung mà cũng là mong đợi của người dân.
Chúng ta phải biết động viên, khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng sự hoàn thiện không ngừng cơ chế, chính sách, hướng tới việc phát huy tốt nhất khả năng cống hiến của con người, nhất là người đứng đầu.
Trong bối cảnh của Hà Nội đang trong thời kỳ xây dựng và phát triển, quy mô, khối lượng và tính chất công việc đều đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao thì việc lựa chọn, bố trí đúng cán bộ cũng như xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đều là những yêu cầu mang tính thời sự.
Khi tôi nhận quyết định về làm bí thư Hà Nội, nhiều lãnh đạo lớp trước rất quan tâm lưu ý với cá nhân tôi trong thực thi công việc. Trong đó có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thường xuyên trao đổi, có những cuộc gặp riêng.
Tôi cũng chủ động gặp gỡ, xin ý kiến nhiều lãnh đạo tiền nhiệm như đồng chí Phạm Thế Duyệt, Lê Xuân Tùng... Đặc biệt là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, người trực tiếp bàn giao công việc và sau đó, trên cương vị chủ tịch Quốc hội, tổng bí thư.
Câu chuyện các đồng chí muốn chuyển tải đến tôi có điểm chung lớn là phải nhận thức sâu đặc điểm, vị trí, vai trò của thủ đô. Tầm quan trọng, tính nhạy cảm và những khó khăn khi xử lý các tình huống cụ thể. Những tiềm năng, thế mạnh của thủ đô là rất lớn. Nhưng Hà Nội là nơi dễ phát sinh vi phạm, khuyết điểm, tiêu cực.
PGS.TS Bùi Thị An (nguyên ĐBQH đoàn Hà Nội):
Kỳ vọng nghị quyết sẽ tạo được bước đột phá
PGS.TS Bùi Thị An
Thời gian qua, Hà Nội dù đã có những bước tiến, thay đổi diện mạo nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa xứng tầm, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế.
Với nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tôi kỳ vọng khi có cơ chế, chính sách đặc thù và khai thác được tốt tiềm năng về chất xám, trí tuệ sẽ
tạo được bước đột phá, nguồn lực quan trọng để thủ đô phát triển bền vững. Chỉ có phát triển khoa học công nghệ mới có thể tăng được năng suất, chất lượng, thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội):
Sẽ giúp xây dựng Hà Nội thành TP sáng tạo
KTS Đào Ngọc Nghiêm
Khi có nghị quyết mới của Bộ Chính trị phát triển Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 sẽ giúp tạo động lực, định hướng lớn để xây dựng đặc thù cho Hà Nội cũng như sửa đổi Luật thủ đô cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, sẽ giúp đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, tạo kinh tế đô thị mạnh, khai thác được tiềm năng trí tuệ, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, sẽ giúp xây dựng Hà Nội thành TP sáng tạo, xanh, thông minh của khu vực ASEAN mà chúng ta đang hướng đến.
TT - Tháp tùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đến Mỹ, chúng tôi được dự một cuộc gặp đặc biệt giữa ông và thượng nghị sĩ John McCain.