Christopher Magee sinh năm 1917 tại thành phố Ohama, bang Nebraska, trong một gia đình danh giá. Ông được đặt theo tên của người bác ruột, Christopher Lyman Magee, trùm chính trị quyền lực ở bang Pennsylvania. Anh họ của Christopher cũng là phi công nổi tiếng của Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada (RCAF).
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào năm 1939, Christopher muốn tham gia càng sớm càng tốt. Nối gót anh họ, Christopher đã đến Canada vào giữa năm 1941 để tham gia chiến đấu trong đội ngũ RCAF. Quá trình huấn luyện của ông kéo dài đến năm 1942, khi đó cuộc tấn công Trân Châu Cảng vừa nổ ra và Mỹ cũng bắt đầu tham chiến.
Không lâu sau, quân đội Mỹ đã lùng sục khắp các trại RCAF để tìm kiếm những người Mỹ tình nguyện trở về nhà. Christopher tình nguyện trở về và đăng ký trở thành phi công thủy quân lục chiến.
Trong 4 tháng tiếp theo, ông tiếp tục khóa huấn luyện lái máy bay và cuối cùng nhận được phù hiệu phi công Hải quân, có hình đôi cánh vàng. Christopher chính thức gia nhập Thủy quân lục chiến.
Tháng 6/1943, ông lên tàu USS Rochambeau, một tàu khu trục của Pháp được chuyển đổi thành tàu chở quân, để đến Nam Thái Bình Dương.
Mùa hè năm 1943, ông đã làm quen với chiếc F4U Corsair, khi đó là chiếc máy bay chiến đấu và ném bom "hot" nhất trong quân đội toàn thế giới. Nó chỉ dài 10 m, sải cánh 12 m, nhưng được trang bị súng máy, pháo, tên lửa, có thể chở tới 2 tấn bom và đạt vận tốc tối đa tới 717 km/h.
Thời kỳ này, Christopher nổi tiếng trong giới phi công chiến đấu với hình ảnh người đàn ông hoang dã, để râu, đeo khăn rằn, ném lựu đạn trăm phát trăm trúng và chiến đấu cả ngày không ngưng nghỉ. Ông chỉ buộc nghỉ khi những con chim sắt của mình sắp hết nhiên liệu.
Trận chiến nổi bật nhất của Christopher là ngày 18/9/1944, ông được giao nhiệm vụ yểm trợ cho các tàu hải quân khi 30 máy bay chiến đấu của Nhật Bản đang lao thẳng tới. Ông giao chiến, bắn rơi một máy bay Nhật và đuổi theo nhiều chiếc khác, lùa chúng vào tầm bắn của đồng đội.
Trong khi bắn rơi chiếc máy bay thứ hai, máy bay của ông dính đạn buộc phải hạ cánh. Trong vài tháng chinh chiến, Christopher đã bắn hạ 9 máy bay Nhật và cùng đồng đội tấn công vô số xà lan chở đạn dược, lương thực của đối phương. Với thành tích này, ông được Tổng thống khen ngợi và Bộ trưởng Quốc phòng tặng Huân chương Chữ thập vàng danh giá, trao tặng cho các chiến sĩ Hải quân anh hùng trong chiến tranh.
Sau năm 1945, Christopher cùng đồng đội trở về trong vòng tay chào đón của người thân và sự ghi nhận của Tổ quốc. Bữa tiệc chiêu đãi họ được tổ chức trong khách sạn hạng sang, Westin St. Francis, tại thành phố San Francisco và được tạp chí Life đưa tin.
Christopher kết hôn và trở về Chicago, nơi ông bắt đầu nhúng tay vào các hoạt động buôn lậu, chợ đen. Sau đó ông sang làm tay sai và chuyển hàng phi pháp cho các doanh nhân Mỹ bí mật tham gia vào chính trị Mỹ Latinh.
Khi chiến tranh Ả Rập - Israel bùng nổ, ông tình nguyện gia nhập lực lượng không quân Israel tại Chicago vào tháng 5/1948 và được cử đến Séc để tập lái máy bay chiến đấu chuyên dụng. Đến cuối tháng, ông đã sẵn sàng bay đến bầu trời Israel, nhưng thỏa thuận đình chiến được thiết lập vào tháng 7 cùng năm đã khiến ông phải thất vọng hồi hương.
Thất vọng hơn nữa, khi trở về, ông phát hiện vợ mình đã ly hôn và bỏ đi cùng hai đứa con của họ. Năm 1949, ông được giao thiết lập mạng lưới cảnh báo sớm để phát hiện tên lửa đạn đạo của đối phương gần căn cứ không quân Thule ở Greenland, Bắc Cực.
Nhưng khi công việc này kết thúc, vào đầu những năm 1950, Christopher lại trôi dạt giữa các công việc lặt vặt. Cuối cùng, ngựa quen đường cũ, ông lại buôn lậu tại chợ đen và làm tay sai phi pháp cho các doanh nhân đã thuê ông trước đó.
Ngày 13/6/1955, ông đã thực hiện vụ cướp ngân hàng đầu tiên tại Quỹ tín dụng Cicero, Illinois. Đóng vai chuyên gia an ninh đang thực hiện hệ thống báo trộm, Christopher đã dí súng vào người quản lý và lấy đi 2.500 USD, số tiền khá lớn thời điểm đó. Vụ cướp thứ hai của ông ta xảy ra tròn một năm một tháng sau đó, tại cùng ngân hàng, khi ông ta tiếp tục chĩa súng vào nhân viên giao dịch.
Lần này Christopher chỉ kiếm được chưa đến 500 USD. Vụ cướp ngân hàng cuối cùng của ông ta là vào ngày 15/1/1957 tại chi nhánh Lincolnway West của Ngân hàng quốc gia. Nhưng lần này, ông đã bị cảnh sát tóm được.
Ông bị kết án 15 năm tù, chấp hành án tại một nhà tù bảo mật tối đa. Khi ở trong tù, ông đã nhận được 80 tín chỉ đại học thuộc các ngành nghề, thông qua đó trở thành biên tập viên của Kỷ nguyên mới, tạp chí nhà tù.
Ông được trả tự do vào năm 1967 và trở về Chicago, nơi ông lặng lẽ sống đến cuối đời. Trong sáu năm, ông làm việc như một biên tập viên và phóng viên cho một tờ báo cộng đồng địa phương ở Chicago.
Trong thời gian này, những cựu chiến binh đồng đội của ông năm xưa nhiều lần liên lạc, mời ông họp mặt ôn lại kỷ niệm chinh chiến. Ông đã trả lời bằng một bức thư xúc động và hồi tưởng lại những chiến công hào hùng thời trai trẻ, nhưng không bao giờ tới dự các buổi gặp mặt.
Ông qua đời khi 78 tuổi, trong cuộc phẫu thuật vì ung thư dạ dày, ngày 27/12/1995, không bao giờ gặp lại vợ con.
Hải Thư (Theo Irish Central, Ace Pilots)
Xem thêm: lmth.5596444-nauq-gnohk-gnuh-hna-auc-tourt-tev/ten.sserpxenv