Sáng 5-4, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2021 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2022.
Hội nghị đã giao lưu với một số cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021.
Toàn cảnh buổi giao lưu tại hội nghị, sáng 5-4. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhớ lại thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát như một cơn bão đối với ngành lương thực thực phẩm.
Bà Chi cho biết lúc đó ngành lương thực thực phẩm gặp khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhận thấy cần chuẩn bị tâm thế sáng tạo, tìm giải pháp cho DN của mình; đồng thời thống nhất chung tay đoàn kết, phục vụ cho bằng được nhu cầu lương thực thực phẩm của TP.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, chia sẻ về những ngày chống dịch. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo bà Chi, ngành lương thực thực phẩm đã cam kết với chính quyền TP không được đứt gãy chuỗi sản xuất, không tăng giá trong lúc xảy ra dịch.
“Bình thường bình ổn giá, tăng công suất rất dễ nhưng giai đoạn đó rất khó khăn do chi phí đầu vào tăng, dịch bệnh, giãn cách… Chưa kể, tâm lý bình thường của DN là tính toán lời lỗ, nhưng lúc đó chúng tôi không nghĩ gì đến hiệu quả kinh tế mà chỉ nghĩ cần phải có lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong giai đoạn đó” – bà Chi nói và khẳng định các DN đã gắn kết với nhau để tháo gỡ khó khăn.
Bà chia sẻ thêm: “Thậm chí có một giám đốc DN gọi điện khóc nức nở khi công nhân bị nhiễm bệnh, công ty tạm thời đóng cửa; nhưng chị khóc không phải sợ không sản xuất được mà sợ không lo cho người dân có hàng hoá được”.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao Huân chương lao động cho các cá nhân tiêu biểu. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh đã đảm bảo đầy đủ hàng hoá cho người dân TP và một số tỉnh bạn, hoàn toàn không tăng giá bất kì nhóm hàng nào. Trong thời điểm đó, DN TP.HCM bày tỏ sự trân trọng với chính quyền TP bởi ngay cả trong điều kiện giãn cách, đến mì gói bị thiếu hành lá cũng được lãnh đạo TP vận động.
Đại tá Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh TP.HCM, nhắc nhớ về những ngày cao điểm tiếp nhận, hoả táng hàng trăm người mất mỗi ngày trong điều kiện container âm 18 độ. Từ đó đảm nhiệm tốt việc lo hậu sự cho người mất vì COVID và tìm người thân của những người đã mất thật nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Báo Pháp Luật TP.HCM đón nhận bằng khen của UBND TP. Ảnh: NGUYỆT NHI
Còn BS Nguyễn Thành Danh, Trưởng phòng y tế huyện Củ Chi, chia sẻ về khoảng thời gian lập bệnh viện (BV) dã chiến huyện. “Giai đoạn đó bệnh dịch phức tạp, quá tải, huyện đưa ra phương pháp lập BV dã chiến. Tôi tham mưu nhưng rất lo vì không có bất cứ thứ gì trong tay từ cơ sở vật chất, con người…” – BS Danh nói và cho biết bằng sự hỗ trợ của các cấp, mạnh thường quân, chỉ trong hai tuần, BV đã được thành lập, điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP, cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, Sở đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện hàng loạt các giải pháp ứng dụng công nghệ để phục vụ người dân trong dịch bệnh.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trong đó phải kể đến Cổng thông tin COVID-19 với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình phòng, chống dịch; tích hợp các loại bản đồ, các hướng dẫn y tế, các văn bản điều hành mới nhất; kênh góp ý, hiến kế; các đường dây nóng...
Hay ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường o-xy “Oxy 247” trên điện thoại di động với vai trò chỉ đạo quyết liệt, tận tâm của ông Lê Hoà Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hay Cổng thông tin 1022 mở rộng đến 10 nhánh, tiếp nhận thông tin trên 14 lĩnh vực.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đáng chú ý lần đầu tiên chính quyền đối thoại trực tiếp với người dân trên nền tảng mạng xã hội qua chương trình livestream “Dân hỏi - TP trả lời” thu hút hơn 50 triệu lượt tương tác, hơn 5.211.000 lượt bình luận, gần 450.000 câu hỏi.
Báo cáo tại hội nghị, bà Ngô Thị Hoàng Các, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhìn nhận năm 2021, phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua, khen thưởng diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, nổi bật là phong trào thi đua cao điểm thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026; phong trào thi đua cao điểm lập thành tích kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, kỷ niệm 45 năm TP Sài Gòn – Gia Định mang tên TP.HCM; phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”; phong trào thi đua 90 ngày phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021… Theo bà Các, công tác khen thưởng đúng đối tượng, đúng thành tích, chất lượng thẩm định hồ sơ được nâng lên, đảm bảo công khai. |