Mạng xã hội đang được nhiều người sử dụng làm nơi lưu giữ những bức ảnh và video đáng nhớ, tương tự như những quyển album truyền thống hay những đĩa DVD kỷ niệm trước kia.
Tuy nhiên, làm thế nào để xử lý ảnh, video, email hay tài khoản được để lại không phải là việc dễ dàng và thường được tính đến trước. Đây là một vấn đề mà một số công ty công nghệ đang dần nhận thức được và phát triển giải pháp hợp lý.
Tuỳ vào nền tảng, người ở lại có thể tiếp tục duy trì, sử dụng hoặc xóa bỏ tài khoản được người đã khuất để lại, với nhiều quy trình khác nhau.
Tháng 12/2021, Apple đã ra mắt tính năng “di sản kỹ thuật số”, cho phép người dùng chọn một hoặc nhiều người để trao quyền truy cập tài khoản của mình sau khi bản thân qua đời. Người dùng có thể tạo và chia sẻ khóa truy cập đối với người có tên trong danh bạ này.
Sau khi người dùng qua đời, người được chia sẻ có thể yêu cầu truy cập, đưa ra khóa mã và tải lên giấy báo tử để truy cập tài khoản Apple của người đã khuất. Sau khi được chấp thuận, người mang khóa mã sẽ được truy cập ảnh, tin nhắn, ghi chú, ứng dụng và nhiều dữ liệu khác của tài khoản Apple này trong vòng 3 năm.
Tính năng Inactive Account Manager (Quản lý tài khoản ngừng hoạt động) của Google cho phép người dùng lên danh sách số điện thoại hoặc email sẵn và chọn giai đoạn chờ từ 3 đến 18 tháng. Sau khi giai đoạn này kết thúc mà tài khoản không có hoạt động mới, Google sẽ tự động gửi tin nhắn đến các số điện thoại và email có trong danh sách.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể chia sẻ một số dữ liệu nhất định như Google Calendar, Chrome hoặc Pay với người khác, hoặc xóa tài khoản cùng toàn bộ dữ liệu trong đó sau 3 tháng không sử dụng tài khoản.
Facebook và Instagram
Giống với Apple, Facebook cũng cho phép người dùng chọn người quản lý tài khoản của mình sau khi bản thân qua đời. Người quản lý có thể đổi ảnh đại diện và ảnh bìa, xem các bài đăng chỉ dành cho cá nhân, đăng bài tưởng niệm hoặc yêu cầu xóa tài khoản.
Tuy nhiên, các hành động trên chỉ được thực hiện khi tài khoản người đã khuất chuyển sang chế độ “tưởng niệm”. Gia đình, người thân và bạn bè của người đã khuất cũng có thể chia sẻ kỷ niệm trên timeline của tài khoản tưởng niệm.
Trong trường hợp của Instagram, bất kỳ ai cũng có thể yêu cầu chuyển một tài khoản sang chế độ “tưởng niệm” bằng cách cung cấp giấy báo tử của chủ tài khoản. Tuy nhiên, chỉ có người thân được xác nhận hoặc đại diện pháp lý của chủ tài khoản được phép yêu cầu xóa tài khoản.
Những nền tảng khác như Twitter và LinkedIn hiện không có tính năng riêng nhằm xử lý tài khoản của người đã qua đời, đồng thời cũng không trao quyền truy cập tài khoản cho người khác. Tuy nhiên, người thân hoặc người được ủy quyền có thể tập hợp giấy tờ cần thiết để yêu cầu Twitter hoặc LinkedIn đóng tài khoản.
Cuối cùng, bên cạnh những tính năng có sẵn, việc chuẩn bị chuyển giao quyền sử dụng tài khoản cùng dữ liệu cá nhân cho người thân hay bạn bè cũng có thể là việc làm cần thiết, tuy khó nói. Ít ai muốn dữ liệu, thông tin cá nhân hay hình ảnh của mình bị lạm dụng hay mất đi vĩnh viễn sau khi qua đời, đặc biệt trong thời đại hiện nay.
Tùng Phong (Theo The Guardian)