Theo Tổng Cục thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đạt 41,7 ngàn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I- 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 91 ngàn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022, trả lời câu hỏi Việt Nam đã mở cửa du lịch quốc tế nhưng chưa được như kì vọng. Tới đây ngành du lịch có giải pháp gì để Việt Nam thu hút khách quốc tế đến nhiều hơn?
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, tháng 11-2021, Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế và ngày 15-3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều như báo chí phản ánh.
Theo thứ trưởng Việt, nguyên nhân do hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách (nơi gửi khách và nơi đón khách). Trong khi đó, dịch COVID-19 trong hai năm qua đã làm hoạt động đón khách du lịch bị gián đoạn, đứt gẫy. Sự kết nối giữa các DN du lịch cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có thời gian để các DN kết nối lại.
Tháng 3, doanh thu du lịch lữ hành của TP.HCM tăng 1,4% so với cùng kỳ. Ảnh: TÚ UYÊN
Bên cạnh đó, như thông lệ, thời điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đông sẽ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Ngành du lịch kỳ vọng sẽ sớm thu hút được du khách quốc tế trở lại với Việt Nam.
Theo thứ trưởng Việt, việc đón khách quốc tế cũng có điểm khó như luồng khách đến Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 70%. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia hiện nay đang có những chính sách chống dịch khá chặt chẽ như Trung Quốc với chính sách "zero COVID" hay khách nhập cảnh vào Hàn Quốc vẫn phải cách li.
Ngoài ra, tình hình giữa Nga và Ukraine cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lượng khách du lịch tới Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới một số địa phương hay đón khách Nga như Khánh Hoà.
Một yếu tố nữa cần nói đến là thời gian vừa qua lượng ca nhiễm COVID-19 tương đối nhiều. Do đó, khách du lịch quốc tế cũng thận trọng hơn khi chọn Việt Nam làm điểm đến.
Trước tình hình này, Bộ cũng đưa ra các nhóm giải pháp đó là tiếp tục làm tốt việc truyền thông về các chính sách visa, y tế, nhập cảnh cũng như cần có thêm thông tin kết nối với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để khách quốc tế có thể được tiếp cận thêm nhiều thông tin về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam.
Đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm cũng như tạo điều kiện để các DN lữ hành, du lịch có thể kết nối trở lại, tạo ra lượng cung - cầu tốt hơn. Khi đó, các DN sẽ có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ để thu hút nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Về y tế, Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị, tiếp đó là cần chính sách thông thoáng hơn về y tế để khách yên tâm khi đến Việt Nam. "Với hệ thống giải pháp như vậy, chúng ta sẽ sớm thu hút được du khách quốc tế trở lại với Việt Nam" - thứ trưởng Việt nói.
Tại TP.HCM, doanh thu du lịch, lữ hành tháng 3 ước đạt 505 tỉ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ. Ước tính quý I năm 2022, doanh thu du lịch lữ hành đạt 1.503 tỉ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Hiện nay, du lịch nội địa vẫn là thị trường chủ yếu. Tuy nhiên với việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, ngành du lịch thành phố dự kiến sẽ đạt được những kết quả rất khả quan trong những quý tiếp theo. |