vĐồng tin tức tài chính 365

Trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ: Khách hàng được hoàn tiền ra sao?

2022-04-06 10:02
Trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ: Khách hàng được hoàn tiền ra sao? - Ảnh 1.

Trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 5-4, phía Tân Hoàng Minh đã có thông cáo cho hay trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ, tập đoàn sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng theo đúng quy định pháp luật.

Cam kết hoàn trả tiền

Ngay sau khi có quyết định của Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy 9 đợt phát hành với tổng số tiền lên tới 10.030 tỉ đồng của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tập đoàn này cho hay đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.

Với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, tập đoàn sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong ngày 5-4, Công ty CP chứng khoán An Bình (ABS) thông tin đã thực hiện tư vấn hồ sơ 1 đợt phát hành với tổng trị giá 800 tỉ đồng cho Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil - thuộc Tân Hoàng Minh. 

Với tư cách là đại lý lưu ký, ABS đã dừng tiếp nhận và giải quyết thủ tục chuyển nhượng trái phiếu của Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil từ ngày 3-4. "ABS đang theo dõi sát các thông tin, liên hệ với tổ chức phát hành, các đơn vị liên quan và xử lý các công việc nghiệp vụ theo yêu cầu của các cơ quan quản lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật" - ABS cho biết thêm.

Cùng ngày, Ngân hàng (NH) SHB khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu tổng trị giá 1.600 tỉ đồng của 2 công ty thuộc Tân Hoàng Minh. NH này không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư và không phân phối 2 lô trái phiếu nêu trên.

Do vậy, SHB chỉ có trách nhiệm thực hiện dịch vụ quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm và đại diện cho các trái chủ xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng đại lý quản lý tài sản bảo đảm đã ký với tổ chức phát hành và theo quy định của pháp luật.

Trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ: Khách hàng được hoàn tiền ra sao? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư được hoàn trả ra sao với lô trái phiếu vừa bị buộc thu hồi? - Ảnh: BÔNG MAI

Ngân hàng có vai trò gì không?

Tổng giám đốc một NH TMCP lớn tại TP.HCM cho rằng trái phiếu đúng nghĩa là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả, giúp giảm gánh nặng huy động vốn qua kênh NH. "Nhưng do đang ở giai đoạn sơ khai nên có cảm giác thời gian qua thị trường hỗn loạn, nháo nhào lên và có cảm giác nếu đơn vị nào làm kỹ thì chịu thiệt bởi như vậy lãi suất thấp không hấp dẫn cả nhà đầu tư lẫn đơn vị phát hành", vị này nói.

Theo vị này, nếu trái phiếu được phát hành chính thức qua kênh NH: NH đánh giá, NH thẩm định, NH đầu tư, NH bán lại thì khá ổn vì bản thân NH cũng phải thực hiện đánh giá nó nghiêm túc như một khoản vay. 

Cụ thể NH phải xem xét đến mục đích, tài sản đảm bảo và bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho người dân. Người dân khi mua nó sẽ được NH phát hành kèm 1 chứng thư bảo lãnh và hoàn toàn yên tâm không bị rủi ro. Nhưng lượng trái phiếu đó trên thị trường không nhiều và lãi suất những trái phiếu như vậy thường chỉ cao hơn một chút so với lãi tiền gửi NH, khoảng 6-7%/năm.

Trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ: Khách hàng được hoàn tiền ra sao? - Ảnh 3.

Các lô trái phiếu vừa bị buộc thu hồi do công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh phát hành đều có lãi suất lên tới 12%/năm - Ảnh: B.MAI

Trong trường hợp khác như doanh nghiệp tự phát hành, doanh nghiệp bán qua công ty chứng khoán hoặc bán qua NH, tức NH chỉ nhận phân phối chứ không bảo lãnh như trường hợp Tân Hoàng Minh thì người nắm giữ trái phiếu đang đối mặt với rủi ro rất cao. 

Trong trường hợp này chỉ hy vọng theo hướng Tân Hoàng Minh có tài sản đảm bảo và nếu có thể được NH nhận các tài sản đó để cấn trừ cho các khoản nợ để lấy tiền ứng trả cho dân (nếu phát hành thông qua NH).

Còn lại, nếu phát hành thông qua công ty chứng khoán thì lo rằng công ty chứng khoán không đủ tài chính để thực hiện việc chi trả. 

"10.000 tỉ đồng đã gần bằng vốn điều lệ của một NH nhỏ nhưng Tân Hoàng Minh có thể thông qua nhiều NH, nhiều tổ chức nên mỗi NH gánh một ít. Một NH ở top 10 mỗi năm lợi nhuận 10.000 tỉ đồng là bình thường nên có thể dùng nó để hỗ trợ người dân", vị tổng giám đốc này gợi ý phương án.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cho hay về nguyên tắc khi nắm giữ trái phiếu đến hạn mới được thu gốc về, còn lãi có thể trả 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. Ở đây phải xem lại kỳ hạn trái phiếu mà Tân Hoàng Minh phát hành. Còn với trả lời của Tân Hoàng Minh về phương án hoàn trả tiền cho nhà đầu tư như nêu trên thì cũng rất khó. Vì không biết khi nào người mua được nhận lại tiền khi khả năng huy động mới để trả khoản vay cũ đã bị chặn đứng và trị giá 10.000 tỉ đồng trái phiếu bị hủy không phải là con số nhỏ.

Về phía người mua trong trường hợp may mắn được hoàn trả thì họ chỉ được nhận tiền gốc, hay được nhận cả gốc lẫn lãi? Theo vị phó tổng giám đốc này, mọi khả năng đều có thể xảy ra và có khi chỉ thu được gốc về đã là may mắn.

Có thể bán sỉ dự án để hoàn tiền

Liên quan đến vụ việc, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT - nhận định việc xử lý dòng tiền hoàn trả nhà đầu tư của nhóm công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh hầu hết tiền thu được từ các đợt huy động trái phiếu đã được Tân Hoàng Minh sử dụng cho việc đầu tư hạ tầng, đền bù, chuyển đổi mục đích và các nghĩa vụ tài chính liên quan tới các dự án của mình.

Chưa kể đến việc từ khi bị "điểm danh" bởi câu chuyện bỏ cọc sau khi đấu giá thành công lô "đất vàng" ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì các dự án bất động sản liên quan đến tập đoàn này cũng sẽ khó đẩy nhanh mua bán, bởi giới đầu tư bất động sản có nhiều lo ngại.

Từ đó sẽ thấy với các đơn vị sở hữu nhiều tiền mặt thì mọi việc có thể lo liệu được, còn không thì phải bán tài sản ra trả, trường hợp khác trả được bao nhiêu tiền hay bấy nhiêu, số nợ còn lại được thương lượng trả dần và tiếp tục tính lãi.

Ở trường hợp của các công ty thuộc Tân Hoàng Minh, theo đánh giá của ông Tuấn thì lúc này tập đoàn chỉ có thể bán sỉ trọn lô dự án của mình chứ khó mà bán lẻ, hình dung tương đồng với một vụ M&A (mua bán và sáp nhập) là khá rõ. Chẳng hạn một vài người quen sẽ vào mua dự án với giá rẻ trong lúc phía Tân Hoàng Minh đang gặp khó khăn. Tuy nhiên tài sản có giá 5.000 tỉ đồng thì sẽ được bán lại với giá 2.000 - 3.000 tỉ đồng.

Trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ: Khách hàng được hoàn tiền ra sao? - Ảnh 4.

Một dự án của Tân Hoàng Minh tại quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dựa vào tài sản đảm bảo được không?

Đáng chú ý, trong lô đầu tiên (phát hành ngày 5-7-2021), Công ty Ngôi Sao Việt đã huy động 800 tỉ đồng với mục đích được đưa ra là để đầu tư xây dựng công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) với lãi suất lên đến 12%/năm.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh - một "người anh em" trong Tập đoàn Tân Hoàng Minh - đã mua lại số trái phiếu này. Sau đó tạo ra các sản phẩm trái phiếu phái sinh để bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức bên ngoài thị trường.

Điểm hấp dẫn khiến nhà đầu tư nhảy vào mua là vì lợi nhuận lên tới 12%/năm, đồng thời được giới thiệu Tân Hoàng Minh đầu tư hàng loạt dự án tầm cỡ tại Hà Nội, Phú Quốc…

Tuy nhiên, các lô trái phiếu đa số có tài sản đảm bảo gồm cổ phần, quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư là phần xây dựng hình thành trong tương lai, quyền tài sản của công ty phát hành trái phiếu được phát sinh từ hợp đồng hợp tác với đối tác... Nghĩa là căn cứ vào các loại tài sản này thì rất khó đoán định khả năng thanh toán.

Bộ Tài chính từng cảnh báo ngay từ tháng 9-2021, trong trường hợp "lách" quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, thì: "Nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành".

Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nóng ruột chờ trả tiền

2-3-2

Tổng giá trị phát hành: 8.130 tỉ đồng - Dữ liệu: HNX, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp)

Căn cứ dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 7-2021 đến tháng 11-2021, 3 công ty con kể trên của Tân Hoàng Minh đã phát hành tổng cộng 8 lô trái phiếu với tổng giá trị 8.130 tỉ đồng. Vì thông tin tháng 3-2022 chưa công bố đủ, nên có thể lô trái phiếu cuối cùng có giá trị phát hành là 1.900 tỉ đồng.

"Cảnh báo rồi mà mấy người không tin", một tài khoản tên Quang bày tỏ trong một nhóm Zalo quy tụ những người quan tâm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư cũng dẫn link kèm các lời cảm thán về các bài báo thể hiện nội dung Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông và Công ty Soleil.

Vừa đóng 200 triệu đồng để mua trái phiếu của BĐS Ngôi Sao Việt vào Tết vừa rồi, những tưởng sẽ nhận được lãi suất lên tới 9% chỉ trong vòng nửa năm, nhưng giờ đây chị T.P. (Hà Nội) lại đang đứng ngồi không yên vì hay tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng công bố thông tin sai sự thật, buộc phải hoàn trả tiền.

"Hiện tại chưa có thông tin gì, cứ nói chờ", chị P. chia sẻ sau khi đã liên hệ với nhân viên kết nối mua trái phiếu. Với công việc bán online các loại mắm nêm, nước mắm, bánh tráng... chị P. cho biết số tiền đã đổ vào mua trái phiếu có giá trị rất lớn với bản thân và gia đình chị.

Theo tìm hiểu, sở dĩ nhiều người tin tưởng giao tiền để mua trái phiếu từ nhóm Tân Hoàng Minh vì cả người đi bán trái phiếu lẫn các hình ảnh quảng cáo trên website, mạng xã hội... đều nhắc đến các ngân hàng uy tín như VietinBank, SHB đứng ra làm đại lý quản lý tài sản đảm bảo cho một số lô trái phiếu trên. Các công ty chứng khoán như Chứng khoán An Bình, Chứng khoán Agribank giữ vai trò tư vấn hồ sơ chào bán kiêm đại lý phát hành trái phiếu...

B.MAI

Đóng 600 triệu đồng nhưng vẫn không phải là trái chủ

Khái niệm trái chủ (tiếng Anh: bondholder) là người cho nhà phát hành vay tiền thông qua việc mua trái phiếu. Đổi lại, các trái chủ nhận được các khoản thanh toán lãi không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty và khoản vốn gốc khi trái phiếu đáo hạn.

Tuy vậy, khi chúng tôi bày tỏ có nhu cầu mua trái phiếu, một nhân viên tên C. đã gửi cho chúng tôi "hợp đồng đầu tư trái phiếu" của một khách hàng tên X.H. (Hải Phòng), do phía Chứng khoán Agribank là đại lý lưu ký/quản lý chuyển nhượng. Mặc dù đóng 600 triệu đồng, nhưng bà X.H. chỉ là nhà đầu tư, còn trái chủ là Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh do ông Lê Văn Thịnh (phó tổng giám đốc) làm đại diện ký hợp đồng.

Cơ quan thẩm quyền đang hỗ trợ

Dưới góc độ pháp lý, TS Phan Phương Nam - phó trưởng khoa luật thương mại Đại học Luật TP.HCM - nhận định việc hủy chào bán chứng khoán ra công chúng được quy định theo điều 28 Luật chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ 1-1-2021). Trong khi chào bán riêng lẻ không đề cập. Vì thế, ở trường hợp của nhóm Tân Hoàng Minh, thuật ngữ dùng đúng là "buộc thu hồi" trái phiếu đã chào bán.

Bên cạnh đó, theo TS Nam, với thông cáo báo chí của Tân Hoàng Minh cho thấy họ đã và đang nỗ lực để khắc phục hậu quả trên cơ sở thương lượng các chủ nợ (nhà đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ). Tuy nhiên, họ cần tìm những đơn vị tư vấn hợp lý để có biện pháp hành xử phù hợp và đảm bảo lợi ích cho các bên trước các thiệt hại không ai mong muốn trong trường hợp này.

Đối với giới đầu tư, việc phải thu hồi khoản tiền đã đầu tư trong một thời gian thường là điều không mong muốn. Song rõ ràng việc thiếu thông tin đã làm cho các quyết định của họ chưa chính xác. Do đó việc phát hiện và xử lý của cơ quan có thẩm quyền đã và đang hỗ trợ nhà đầu tư để có thể được lấy lại khoản đầu tư, mà nếu như không có sự phát hiện của cơ quan có thẩm quyền thì họ khó có thể thu hồi.

Bắt chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh DũngBắt chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng

TTO - Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xem thêm: mth.57725237060402202-oas-ar-neit-naoh-coud-gnah-hcahk-ob-yuh-ib-hnim-gnaoh-nat-auc-ueihp-iart/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ: Khách hàng được hoàn tiền ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools