TS Đào Lê Hòa An (đứng) thảo luận cùng các cộng sự - Ảnh: THẾ KIỆT
Chia sẻ về khởi nguồn ý tưởng JobWay, anh Đào Lê Hòa An cho biết JobWay muốn có một công cụ lấp đầy những điểm khuyết của người trẻ. Qua nhiều năm thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, anh nhận ra điều nhiều bạn trẻ thiếu nhất là tính định hướng, thiếu một công cụ khoa học, một người đi trước luôn sẵn sàng lắng nghe, hướng dẫn... giúp họ nhận ra thế mạnh của bản thân để tự tin chinh phục con đường nghề nghiệp.
"Với khát vọng không để người trẻ đơn độc trên hành trình quan trọng ấy, tôi cùng cộng sự đã xây dựng app JobWay - hệ sinh thái hướng nghiệp toàn diện miễn phí dành cho người trẻ. Trên ứng dụng này, hầu như mọi nhu cầu về định hướng, thấu hiểu bản thân, chọn nghề, chọn trường, dự báo thị trường lao động đều được tích hợp. Ứng dụng còn có các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục luôn túc trực để tham vấn trong vòng 24-36 tiếng" - anh Hoà An nói.
* Một trong những thử thách đáng kể nhất với JobWay?
- Có lẽ do có yếu tố nhân văn lẫn giải quyết một vấn đề thiết thực của xã hội và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của đất nước, JobWay vinh dự đạt giải thưởng "Ứng dụng được yêu thích nhất" tại cuộc thi Sáng tạo phần mềm dành cho sinh viên 2019 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, giải nhất cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục 2020" do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức, giải thưởng thường niên I-STAR 2021 của UBND TP.HCM...
Mô hình kinh doanh là điều khiến mọi start-up đều thấy khó khăn. Chúng tôi phải dò dẫm, thử và sai, "đập đi xây lại" nhiều lần và mỗi lần ấy đều phải trả giá bằng tiền, mồ hôi và nước mắt.
Và trước những thử thách đáng kể, chúng tôi đã phải "đấu tranh tư tưởng" hay "đấu trí" rất nhiều. Chẳng hạn dù rất trân trọng nhưng tôi đã từ chối lời đề nghị hợp tác của một tập đoàn giáo dục dù số tiền họ đầu tư sẽ không nhỏ. Chúng tôi nhận thức nếu nhận lời đề nghị trên thì sẽ có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư, dự án theo đó sẽ khó có thể lan tỏa đến đông đảo người trẻ vì mất tính trung lập, khách quan.
* Start-up của anh có bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch?
- Để có kinh phí đầu tư, các thành viên sáng lập của JobWay đã phải tỏa đi giảng dạy, báo cáo tại các diễn đàn, các buổi chia sẻ... Tuy nhiên, kể từ đầu 2020, dịch COVID-19 ập đến, hầu hết chương trình giảng dạy đều bị hủy, nguồn thu để "nuôi" ứng dụng đều bị ngưng trệ.
Cũng trong lúc này, biết rằng nhu cầu được hướng nghiệp của học sinh lại rất lớn và sẽ tăng tính hiệu quả nếu ứng dụng ra mắt kịp thời (do các em có nhiều thời gian ở nhà), chúng tôi quyết định dùng đến 10 cây vàng, tài sản tiết kiệm cuối cùng trong những năm tháng làm công tác giảng dạy và đào tạo để đầu tư cho JobWay.
* Những bài toán nào JobWay cần giải, thưa anh?
- "Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", ứng dụng JobWay luôn thực hiện triết lý này, tăng cường kết nối, học hỏi với các đơn vị, dự án giáo dục khác để tạo ra một hệ sinh thái hướng nghiệp toàn diện. JobWay sẽ làm tốt nhất ở lĩnh vực hướng nghiệp, cung cấp giải pháp giúp người trẻ trả lời câu hỏi "Tôi là ai?", "Tôi sẽ đi đâu trong tương lai?"...
Vì vậy, các dự án giáo dục kỹ năng, ngoại ngữ, trải nghiệm nghề nghiệp, học tập... sẽ là những mảnh ghép sáng giá để cùng nhau giải quyết bài toán đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2023 sẽ tiếp cận khoảng 1 triệu học sinh cuối cấp, tham vấn cho các em hướng nghiệp, khởi nghiệp.
Trong tương lai xa hơn, ứng dụng sẽ được nâng cấp, đa dạng hóa các tính năng, chuyển tải phòng "tư vấn tâm lý học đường" từ trực tiếp lên trực tuyến, học sinh sẽ được tiếp cận với sự hỗ trợ tâm lý 24/7, thực hiện livestream trên nền tảng ứng dụng, đăng ký chọn trường trực tiếp...
* Câu chuyện đau lòng của một nam sinh Hà Nội vừa xảy ra ít nhiều liên quan đến sự "xa cách" thế hệ giữa cha mẹ và con cái. Vậy ứng dụng của anh có góp phần giải quyết bài toán này?
- Trẻ không có nhu cầu mở lòng với người lớn là vì người lớn không sẵn sàng lắng nghe trẻ, ít động viên, ủng hộ, thấu hiểu, khuyến khích trẻ. Từ đó vô tình tạo nên những khoảng cách và khó tương tác với trẻ. Chỉ khi nào phụ huynh khắc phục được những điều này, xem trẻ như người bạn, bình đẳng, tôn trọng và tạo ra nhiều hoạt động chung cùng nhau thì lúc ấy sự thấu cảm mới đạt được.
Hơn 50% các chuyên gia của JobWay là những chuyên gia tâm lý có nhiều kinh nghiệm, ngoài trọng tâm là tư vấn định hướng nghề nghiệp, gieo hạt ước mơ, JobWay còn hướng tới việc thiết lập mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường online và hoàn toàn miễn phí.
Mọi câu hỏi gửi về sẽ nhận được câu trả lời gần như nhanh chóng và trong thời gian thực. JobWay xác định mình không là người thầy mà sẽ là người bạn luôn đồng hành, nỗ lực lắng nghe và thấu hiểu thế hệ trẻ Việt Nam.
Tặng hết giải thưởng cho học bổng Tiếp sức đến trường
Ngay sau lễ trao giải Golf Tournament For Start-up 2022, bạn Lê Đình Lực (CEO của DOL English) đã báo với ban tổ chức là bạn sẽ dành tặng toàn bộ tiền thưởng (20 triệu đồng) cho học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
"Tình cờ sáng 31-3 tôi đọc được câu chuyện của bạn Phạm Thanh Toàn (CEO ứng dụng Mismart, cũng là 1 trong 30 start-up được trao giải) trên báo, biết bạn trưởng thành từ học bổng Tiếp sức đến trường, tôi tin hoạt động trên của báo rất ý nghĩa, tiếp sức cho nhiều bạn trẻ tài năng nên tôi đơn giản là muốn san sẻ lại may mắn của mình", bạn Đình Lực bộc bạch.
"Cảm hứng khởi nghiệp" truyền lửa đến giới trẻ
Chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up 2022 đã khép lại bằng talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp", tổ chức tại Đại học Quốc gia TP.HCM ngày 31-3.
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho start-up cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM đã triển khai các hoạt động liên quan, thu hút sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín.
Đây là hoạt động thường niên nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Qua đó, khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.
Ban tổ chức đã chọn 30 start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...; trong đó có giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng do Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao tặng.
MINH HUỲNH
TTO - Với Phạm Hoài Nguyên Anh, nhà sáng lập Công ty TNHH một thành viên Anh Coffee, cà phê khiến bạn quên ăn quên ngủ để lăn lộn cùng núi rừng. Tất cả cho một giấc mơ nâng tầm cà phê Việt trở thành đại sứ du lịch.
Xem thêm: mth.54620719060402202-cod-nod-ert-iougn-ed-gnohk-gnov-tahk-iov-peihgn-iohk/nv.ertiout