Hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đang phải chịu chi phí rất cao vì khâu logistics - Ảnh: N.BÌNH
Ngày 6-4, tại buổi tọa đàm "Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp" do báo Hải Quan tổ chức ở TP.HCM, ông Trần Việt Huy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết khảo sát của tổ chức này cho thấy dù kinh tế đang hồi phục và quay trở lại nhịp sống bình thường nhưng gần 50% doanh nghiệp trong ngành vẫn còn suy giảm về hoạt động.
So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới, đặc biệt với Trung Quốc vẫn bị tắc nghẽn…
Theo ông Huy, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang thay đổi xu hướng thương mại toàn cầu. Bảo hộ thương mại đang diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia thay vì toàn cầu hóa giờ đây muốn đưa sản xuất về nước mình, tăng trừng phạt lẫn nhau. Đại dịch cũng đẩy mạnh thương mại điện tử, kéo theo cách phân phối khác với kênh truyền thống trước đây theo hướng tổ chức giải quyết đơn hàng lớn… Chuỗi cung ứng và chi phí logistics bị thay đổi, đội giá lên nhiều lần.
Trong đó, thủ tục hành chính là một trong nhiều yếu tố làm chi phí tăng lên. Do đó, cần tăng cường đơn giản hóa thủ tục hải quan nhiều hơn, cải thiện vấn đề liên thông hệ thống hải quan với e-port của các cảng chính.
"Cước phí tăng cao còn là câu chuyện cung cầu thị trường. Trong khi đó, các tuyến hàng container đều đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Dù cước phí tăng hiện nay là tình trạng chung trên thế giới nhưng cũng cho thấy nếu doanh nghiệp trong nước lấy được một phần nhỏ thị phần này thì giá sẽ khó loạn như hiện nay", ông Huy nhìn nhận.
Nhiều ý kiến đóng góp để kéo giảm chi phí được doanh nghiệp đưa ra - Ảnh: N.BÌNH
Để kéo giảm chi phí logistics, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn IPPG, cho biết đã thành lập hãng hàng không chuyên kinh doanh vận chuyển hàng hóa và nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý.
"Chúng tôi cũng đã ký ghi nhớ với Hãng Boeing sẽ mua 10 chiếc máy bay để phục vụ vận chuyển, trong đó sẽ khai thác 5 máy bay trong năm đầu tiên, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 máy bay", ông Jonathan Hạnh Nguyễn thông tin.
Dưới góc độ quản lý, ông Đào Duy Tám, phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, lại cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến chi phí logistics khó kéo giảm thời gian qua như tình hình dịch bệnh COVID-19 của một số quốc gia vẫn giữ chính sách zero COVID, giá xăng dầu tăng, chiến sự Nga-Ukraine…
Ngoài ra một số thủ tục hành chính còn thủ công, nhiều quy định ban hành ra chưa theo kịp thực tiễn, trong quản lý chuyên ngành còn chồng chéo.
Ông Tám cũng thừa nhận dù có nhiều biện pháp cắt giảm thiết thực nhưng doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp để có thể giải phóng hàng hóa nhanh hơn. Do đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, các văn bản vi phạm pháp luật, các nghị định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, chia sẻ dữ liệu, theo hướng tiếp tục không yêu cầu doanh nghiệp nộp những giấy tờ đã có trên hệ thống...
Hiện tổng cục cũng đặt ra mục tiêu ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh. Trong năm 2022, các bộ ngành phối hợp đẩy mạnh triển khai kết nối trao đổi chứng từ điện tử thông qua Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử với các đối tác thương mại như Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu...
Xem thêm: mth.12110320160402202-uahk-pahn-taux-peihgn-hnaod-ohc-scitsigol-ihp-ihc-maig-oek-ed-gnohk/nv.ertiout