vĐồng tin tức tài chính 365

NSƯT Lê Thiện: Tràng cười làm nên một thương hiệu

2022-04-07 07:19

Ngày 6-4, NSƯT Lê Thiện có buổi giao lưu truyền nghề với các diễn viên trẻ tại sân khấu Sen Việt.

Chương trình do Hội Sân khấu TP.HCM, Ban Lý luận phê bình và CLB Phóng viên sân khấu tổ chức. Không chỉ được lắng nghe nữ nghệ sĩ gạo cội chia sẻ lại những kỷ niệm nghề, kinh nghiệm quý báu, các bạn sinh viên còn có cơ hội diễn cùng NSƯT Lê Thiện trong những tình huống giả định bất ngờ.

Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm “gói xôi chia ba” đi học

NSƯT Lê Thiện gắn bó với sân khấu từ thuở 13 cho đến nay tóc bà đã bạc trắng. Cả cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho sân khấu, “chết sống với nghiệp”, ngọn lửa say mê nghề vẫn luôn rực cháy trong từng ánh mắt, giọng nói, nụ cười.

Là thế hệ nghệ sĩ lớn lên trong lửa đạn chiến tranh, những ngày tháng “bom thả chạy trốn, trốn xong lên học” là những ký ức bà chẳng thể nào quên. “Có lẽ vì vậy mà những điều được học, đã học và đang học nó thấm sâu vào mình ghê gớm. Những buồn, vui, thất bại, góp nhặt những hiện tượng, sự kiện cuộc sống cho vào kho đó để trong cuộc đời biểu diễn khi cần mình mang ra xài. Vốn sống không phải tự nhiên mà có” - nữ nghệ sĩ mỉm cười.

NSƯT Lê Thiện: Tràng cười làm nên một thương hiệu - ảnh 1
Các diễn viên trẻ vinh dự được diễn cùng NSƯT Lê Thiện trong những tình huống giả định. Sự thông minh của nhiều diễn viên trẻ khiến bà hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ 

Bà cũng không quên nhắc lại câu chuyện về nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm vượt khó vươn lên khiến nhiều sinh viên trẻ mê diễn xuất không khỏi xúc động. “Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, ngày xưa một gói xôi chia làm ba nhưng học rất say sưa. Gian khó tạo động lực cho chúng ta rất nhiều. Tôi không nói những người nghèo thành công hơn nhưng chính cái nghèo đó đã thúc đẩy các bạn phấu đấu, cố gắng. Tôi biết bây giờ nhiều em đi học cũng không có tiền ăn sáng nhưng đừng vì vậy mà nản chí” - NSƯT Lê Thiện chia sẻ.

NSƯT Lê Thiện sinh năm 1945, tại Bình Định. Năm 11 tuổi, NSƯT Lê Thiện được nhận vào đoàn văn công quân đội, biểu diễn khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam. Nhờ thông minh, sáng dạ, bà được tuyển vào Đoàn Tổng cục Chính trị, học khóa đào tạo diễn viên chung với các nghệ sĩ Thanh Vy, Minh Châu, Hà Quang Văn, từ đó chính thức dấn thân vào nghề ca diễn.

Sau này bà còn có thời gian dài đảm nhận chức phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang. NSƯT Lê Thiện nổi tiếng với những vai đào lẳng, đào độc… qua các vở: Tiếng sấm Tây Nguyên, Mùa xuân, Khuất Nguyên, Thạch Sanh - Lý Thông… Trên phim ảnh, với gương mặt phúc hậu, bà ghi dấu ấn với hình ảnh “bà nội quốc dân” trong: Thưa mẹ con đi; Tháng năm rực rỡ; Cá rô, em yêu anh!.

 

Tràng cười độc nhất vô nhị

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, về tới TP.HCM, nghệ sĩ Lê Thiện “bị” yêu cầu làm quản lý. Nghệ sĩ miền Bắc vào Nam làm công tác quản lý, những ngày đầu khó khăn vô cùng.

Bước ngoặt cuộc đời bà phải kể đến ngày nhận vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Rạng Ngọc Côn Sơn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đầu thập niên 1980.

“Vai Thần phi trong Rạng Ngọc Côn Sơn chỉ có một màn hai cảnh. Ít đất diễn quá, chẳng ai nhận, trưởng đoàn mừng quá, tôi vào vai đó. Trong đầu hình dung ghê gớm, tình yêu của mình với sân khấu đè nén trước nay dồn hết vào vai diễn” - NSƯT Lê Thiện nhớ lại.

Trong cảnh bắt giam Nguyễn Thị Lộ (do nghệ sĩ Ngọc Giàu đóng), Thần phi Nguyễn Thị Anh (Lê Thiện đóng) cất một tràng cười dài nham hiểm, tỏ ý đắc thắng. Nghệ sĩ Bảo Quốc (đóng viên quan) nói rằng nghe bà cười đến đâu, ông run cầm cập đến đó.

Tràng cười độc nhất vô nhị đã giúp bà trở thành huyền thoại cải lương miền Nam. “Bắt đầu từ vai đó, nghệ sĩ Sài Gòn mới hiểu chúng tôi nhiều hơn” - nữ nghệ sĩ mỉm cười.

Có nhiều diễn viên giờ ngộ lắm!

Nhiều diễn viên trẻ đặt vấn đề bệnh “diễn giả”. Làm sao để diễn thật khiến nhiều diễn viên trẻ trăn trở.

NSƯT Lê Thiện nhấn mạnh: Bản thân diễn viên phải sống với nhân vật đó, tự nhiên sẽ diễn ra. Bà kể, để vào vai một người điên, bà từng đi theo một người điên 4-5 cây số ròng rã trong cơn mưa tầm tã để quan sát. Trên sân khấu, khi vào vai nhân vật này, diễn viên thường xõa tóc, la hét um sùm… nhưng thực tế, rất nhiều người điên chỉ im lặng, không nói gì hết mà vẫn khiến khán giả đau, khóc cười trong từng ánh mắt, cử chỉ.

Bà nhấn mạnh ánh mắt có thần là thế mạnh của người diễn viên. “Cặp mắt là cửa sổ tâm hồn, làm diễn viên mà cặp mắt không biết nói đó là thiệt thòi lớn. Diễn không cần ồ ạt, cần sâu lắng, muốn vậy tâm hồn phải thật đầy” - NSƯT Lê Thiện trải lòng.

Bà cũng đặt vấn đề: “Có nhiều diễn viên ngộ lắm. Đẹp vầy mà bắt diễn vai già rồi fan tui coi sao? Diễn viên mình bây giờ hay bị bệnh vậy…”. Bà chia sẻ: “Chỉ có diễn viên nhỏ chứ không có nhân vật nhỏ”. Với một diễn viên, muốn tích lũy phải dẹp cái tôi của mình, để hóa thân vào nhân vật đó. Học thầy, học trường lớp là một chuyện, quan trọng diễn viên phải lanh, biết học lỏm biến thành ngón nghề riêng của mình.

Con người không nên giấu dốt, là nghệ sĩ càng không được giấu dốt. Từ sân khấu cải lương bước qua phim ảnh, nữ nghệ sĩ gạo cội xác định chỉ là học trò trong lĩnh vực này. Bà nói với êkíp đừng nể nang, nếu thấy không đạt phải bắt bà quay lại, diễn lại cho đạt thì thôi…•

 

Xem thêm: lmth.6682501-ueih-gnouht-tom-nen-mal-iouc-gnart-neiht-el-tusn/aoh-nav/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“NSƯT Lê Thiện: Tràng cười làm nên một thương hiệu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools