Đến cuối tháng 3 vừa qua, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than. Không chỉ vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.
Tình hình cung cấp than cho sản xuất điện đang gặp nhiều khó khăn. Theo EVN, trong quý I-2022, lượng than được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của tập đoàn thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
Lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. “Nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu” - EVN lo lắng.
Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp hữu hiệu để góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện. Ảnh: EVN
Đáng lưu ý, các đơn vị cung cấp than cho biết tình hình cung cấp than tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Là một trong những đơn vị cung cấp lượng than lớn cho sản xuất điện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) Phan Xuân Thủy thừa nhận: Để đáp ứng nhu cầu than tiêu thụ, tập đoàn đã tăng sản lượng than nguyên khai sản xuất năm 2022 lên mức tối đa gần 41 triệu tấn. Tuy nhiên, kể cả tăng sản lượng khai thác than nhưng không có than nhập khẩu hoặc than nhập khẩu về chậm, chất lượng không đảm bảo thì việc cấp than cho điện sẽ khó khăn.
Ngoài ra, theo TKV, bên cạnh nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn là do đến ngày 2-3 EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật Giá. Điều này dẫn tới tập đoàn phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.
“Hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn, kèm theo giá than thế giới tăng đột biến” - đại diện TKV cho biết.
Vì vậy, để đảm bảo cấp đầy đủ, ổn định than cho các nhà máy điện, TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán than trong nước, nhất là giá bán cho các nhà máy điện. Từ đó nhằm đảm bảo hiệu quả kế hoạch lợi nhuận, tránh mất cân đối tài chính.
Phát triển năng lượng tái tạo
EVN cho biết riêng nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ, cụ thể là các tháng 5, 6 và 7.
Do đó, EVN đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) nhằm tránh nguy cơ thiếu điện. Đồng thời, tập đoàn này cũng đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ, không bán lên lưới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh để phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo thì Nhà nước cần giải quyết ngay các vướng mắc, trở ngại về cơ chế chính sách. Đặc biệt cơ chế chính sách về lĩnh vực này phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch.
Trong khi đó, chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược TKV, đánh giá việc thiếu than dẫn đến thiếu điện là nguy cơ hiện hữu, đặc biệt trong tình hình hiện nay giá dầu thế giới đang tăng lên. Ông cho rằng việc thiếu than có nguyên nhân chủ quan là bản thân ngành công nghiệp than của Việt Nam đã phát triển đến ngưỡng.
“Đối với ngành than trong nước, việc đầu tư cho phát triển ngành hầu như chỉ tập trung vào than của vùng Quảng Ninh. Mà than Quảng Ninh thì đã được cảnh báo có hạn, không phải vô cùng. Hiện giờ công nghệ khai thác rẻ tiền nhất là lộ thiên đang giảm đi, công nghệ khai thác hầm lò nhưng đắt tiền đang tăng lên. Do vậy giá than trong nước, kể cả khai thác 50 triệu tấn/năm thì vẫn không thể cạnh tranh được với than nhập khẩu. Mà thị trường nhập khẩu mình lại không làm chủ được, vẫn đi mua lẻ, nhập lẻ theo chuyến. Như vậy thì rất nguy hiểm” - ông Sơn phân tích.
Không chỉ vậy, vị chuyên gia này cho rằng ngành than đã được thị trường hóa nhưng điện thì chưa, cho nên giữa hai ngành than - điện phải ký với nhau hợp đồng dài hạn, sòng phẳng. Nếu không có những hợp đồng dài hạn thì ngành than không dám đầu tư phát triển, tái sản xuất mở rộng ngành.
GS-Viện sĩ-TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng về dài hơi phải cố gắng tự lực khai thác than ở mức tối đa. Phần còn lại phải xem xét đàm phán với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới để ký những hợp đồng dài hạn về cung cấp than cho Việt Nam.
Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng giải pháp cấp bách lúc này là cần phải biết cách quản lý nhu cầu sử dụng điện, tiết kiệm điện. Ví dụ như tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào giờ cao điểm... để góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.•
Không để khủng hoảng năng lượng Tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để khủng hoảng năng lượng”. Về những việc cấp bách, trước mắt phải làm ngay để đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng yêu cầu tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than; tiếp tục điều chỉnh nguồn điện phù hợp với những nơi có thể thiếu. Việc nhập khẩu phải hợp lý, không để tác động xấu tới cân đối lớn về xuất nhập khẩu, hạn chế tối đa nhập siêu, tăng xuất siêu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động thúc đẩy phong trào tiết kiệm điện mạnh mẽ, hiệu quả hơn; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, khai thác tối đa công suất các nguồn điện hiện có. Bộ Công Thương tất bật tìm nguồn điện bổ sung Những ngày gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng để tháo gỡ tình trạng thiếu than cho sản xuất điện. Chẳng hạn, bộ trưởng đã làm việc với đại sứ Úc, đại sứ Nam Phi tại Việt Nam để tìm nguồn than nhập khẩu ổn định, chất lượng cao. Bộ trưởng Diên cho biết Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022. Bộ trưởng cũng làm việc với các tập đoàn lớn như EVN, TKV. Tại các buổi làm việc, đại diện các tập đoàn cho biết có thể huy động bổ sung khoảng 3.700 MW để bù đắp vào sản lượng nhiệt điện than thiếu hụt. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo khoảng 1.000 MW, nguồn thủy điện khoảng 300 MW, nguồn điện khí khoảng 1.200 MW, nguồn nhiệt điện than khoảng 1.200 MW. |