Tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Trung Quốc nhận định vụ việc máy bay chiến đấu Sukhoi-35 của Nga bị Ukraine bắn hạ gần đây có thể mang lại những bài học chiến thuật quan trọng cho quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc hiện sở hữu hạm đội máy bay chiến đấu lớn thứ hai thế giới, sau Nga.
Truyền thông Ukraine đưa tin máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 Flanker-E của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã bị bắn hạ gần thành phố Izium, phía đông Ukraine, cách thành phố Kharkiv khoảng 120 km về phía đông nam.
Theo ông Anton Gerashchenko - cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov, máy bay quân sự Nga đã bị bắn rơi vào ngày 3-4 sau khi bị trúng tên lửa của lực lượng vũ trang Ukraine. Chiến đấu cơ bốc cháy ngay lập tức và rơi xuống.
Ông Gerashchenko đã chia sẻ hình ảnh chiếc máy bay bị bắn rơi trên mạng xã hội và xác nhận phi công đã phóng ra khỏi máy bay nhưng sau đó bị bắt giữ.
“Một chiếc Su-35 bị bắn rơi hôm nay gần Izyum. Thiệt hại [đối với Nga] là 50 triệu USD" - ông Gerashchenko cho hay.
South China Morning Post dẫn lời ông Chu Chấn Minh - nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh – nhận định dựa trên các hình ảnh của xác máy bay, "chiếc máy bay chiến đấu dường như đã lao xuống từ độ cao rất thấp".
Hình ảnh máy bay Su-35 của Nga mà phía Ukraine nói đã bắn rơi. Ảnh: REUTERS
“Nó có thể đang trên đường trở về sau khi tiến hành nhiệm vụ tấn công mặt đất và ngọn lửa có thể là từ nhiên liệu còn sót lại từ máy bay” – ông Chu nhận định.
Bay ở độ cao thấp được cho sẽ làm tăng nguy cơ bị tấn công từ vũ khí phòng không, hay thậm chí từ các tên lửa phòng không di động như Stingers và Starstreaks.
Tuy nhiên, ông Chu cho rằng vụ việc cũng có thể do máy bay chiến đấu đã bị lỗi cơ khí.
“Để rút kinh nghiệm, lực lượng không quân Trung Quốc sẽ cần phải xác định cẩn thận các vấn đề cơ khí tiềm tàng đối với các máy bay Su-35 của mình và cải thiện công tác bảo trì” – nhà phân tích cho hay.
Hình ảnh máy bay Su-35 của Nga mà phía Ukraine nói đã bắn rơi. Ảnh: REUTERS
Theo South China Morning Post, Trung Quốc hồi năm 2015 đã ký hợp đồng trị giá 2 tỉ USD mua 24 máy bay tiêm kích Sukhoi thế hệ 4,5 của Nga.
Khoảng 100 chiếc Su-35 đã được bổ sung cho lực lượng không quân Nga kể từ năm 2013.
Ai Cập cũng đã đặt hàng 20 chiếc Su-35 với giá 2 tỉ USD và đã nhận được lô hàng đầu tiên vào năm ngoái.
Hồi tháng 9-2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển Thiết bị (EDD), một đơn vị của quân đội Trung Quốc chuyên trách về vũ khí và thiết bị quân sự vì thực hiện “một số giao dịch lớn” với Rosoboronexport, công ty xuất khẩu vũ khí chính của Nga.
Các lệnh trừng phạt này liên quan việc Trung Quốc năm 2017 ký hợp đồng mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 và năm 2018 mua các thiết bị liên quan đến hệ thống phòng không S-400, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo South China Morning Post, máy bay chiến đấu Su-35, với một chỗ ngồi, hai động cơ, thừa hưởng tầm hoạt động xa, trọng tải vũ khí lớn và kỹ năng không chiến mạnh mẽ từ máy bay tiền nhiệm Su-27.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Trung Quốc quan tâm nhất đến động cơ vectơ lực đẩy tiên tiến của Su-35.
Lực lượng không quân Trung Quốc đến nay đã không đặt hàng thêm Su-35. Thay vào đó, Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt máy bay J-16 nội địa, một biến thể khác của Su-27.
Trong khi Su-35 là một máy bay chiến đấu không chiến, thì J-16 được trang bị vũ khí tấn công mặt đất và trên biển mạnh hơn. Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 được ưu tiên cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, với sự hỗ trợ của Su-35.