Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi mua dầu từ các nước bị trừng phạt là Iran và Venezuela vài năm qua. Nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng đang tăng mua dầu Nga trong thời điểm sản phẩm này bị xa lánh vì xung đột tại Ukraine.
Dù vậy, hoạt động mua bán dầu của Trung Quốc đang bị gián đoạn vì đại dịch tái bùng phát. Hiện tại, thời gian chờ dỡ hàng của các tàu tại các cảng Trung Quốc đã tăng lên 5,85 ngày, từ 4,46 ngày trong tuần đầu tháng 3. Với các tàu loại Suezmax, có thể chứa tối đa 1 triệu thùng dầu thô, thời gian chờ còn tăng từ 4,46 ngày lên 15 ngày.
Hãng phân tích dữ liệu Kpler (Singapore) ước tính các tàu dầu chở 22 triệu thùng từ Nga, Iran và Venezuela đang xếp hàng chờ bên ngoài Trung Quốc. Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm ít nhất 450.000 thùng mỗi ngày trong tháng 4. Chủ yếu do tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay, theo Jane Xie – nhà phân tích tại Kpler.
"Việc phong tỏa tại Trung Quốc chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động di chuyển và nhu cầu dầu ở nước này", bà nói, "Nó còn gây ra sự tắc nghẽn về logistics nữa".
Việc tắc nghẽn này nghiêm trọng hơn đợt đầu năm, với 10 triệu thùng dầu từ Nga, Iran và Venezuela lênh đênh ngoài khơi Trung Quốc, theo Kpler. Nhu cầu dầu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, trước khi đại dịch tái bùng phát, trung bình vào khoảng 13,7 triệu thùng một ngày.
Một hãng nghiên cứu khác – Vortexa – thì tính toán có khoảng 16 triệu thùng dầu từ Iran và Venezuela đang đợi ngoài khơi Trung Quốc. Bên cạnh đó, khoảng 10 tàu dầu khác – loại chứa tối đa 100.000 tấn dầu – đang hướng từ Nga về Trung Quốc. Số dầu này có thể đã được mua trước khi xung đột xảy ra.
Hà Thu (theo Bloomberg)