Sau gần 2 tiếng tạm dừng phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu để các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả, khoảng 10h ngày 17-7 phiên tòa được tiếp tục với phần luận tội, đề nghị mức án từ viện kiểm sát.
Viện kiểm sát: Một số bị cáo đã "lập lờ, đánh lận" khi biện minh việc nhận tiền chỉ là được "cảm ơn"
Mở đầu phần luận tội, viện kiểm sát đánh giá vụ án chuyến bay giải cứu là vụ án có số bị cáo bị khởi tố công tác ở nhiều bộ ngành, địa phương. Hành vi phạm tội của các bị cáo có tính chất đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi với số tiền đặc biệt lớn. Vụ án xảy ra trong dịch COVID-19 và bị dư luận lên án gay gắt.
Theo bản luận tội được công khai tại tòa, viện kiểm sát cáo buộc một số bị cáo trong vụ án đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chủ trương nhân đạo của Nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho buộc các doanh nghiệp phải bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu.
Từ đó các doanh nghiệp phải tăng giá vé máy bay ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước, mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách giải cứu công dân về nước trong đại dịch.
Viện kiểm sát đánh giá hành vi của các bị cáo đã "phản bội lại chính sự cố gắng của đồng đội, đồng chí của mình" trong dịch COVID-19, do đó việc truy tố, xét xử vụ án là cần thiết đảm bảo sự răn đe.
Đánh giá lời khai của các bị cáo về việc không nhận thức hành vi nhận tiền là vi phạm, viện kiếm sát cho rằng trong phần thẩm vấn một số bị cáo đã "lập lờ, đánh lận" khi biện minh việc nhận tiền chỉ là được "cám ơn"
"Hành vi nhận tiền của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ. Các bị cáo đang làm chức trách nhiệm vụ nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả gia tài nhiều người mơ ước", viện kiểm sát lập luận.
"Không thể coi là cảm ơn khi các doanh nghiệp buộc phải đưa tiền cho các bị cáo để được cấp phép chuyến bay giải cứu", viện kiểm sát tiếp tục đưa ra quan điểm, và một lần nữa khẳng định hành vi của các bị cáo là nhận hối lộ.
Doanh nghiệp phải chi tiền theo luật bất thành văn
Viện kiểm sát nhận định các bị cáo đưa ra thỏa thuận mặc cả về giá yêu cầu các doanh nghiệp chung chi. Do đó các doanh nghiệp chi tiền theo luật bất thành văn thì mới được cấp phép chuyến bay.
Đánh giá hành vi cụ thể của từng bị cáo, theo viện kiểm sát đủ căn cứ xác định Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng) nhận hơn 4,2 tỉ. Lời khai của ông Linh phù hợp với lời khai các bị cáo khác về việc đưa và nhận tiền.
Lời khai của bị cáo Tô Anh Dũng (cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao) phù hợp với lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa và tài liệu khác. Có căn cứ xác định quá trình cấp phép các chuyến bay combo, ông Dũng nhận 21,5 tỉ từ đại diện 13 doanh nghiệp.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nhận hối lộ hơn 25 tỉ, tại phiên tòa thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, phù hợp với lời khai của các bị cáo, tài liệu khác có trong vụ án.
Ngày thứ 4 của phiên xét xử vụ án chuyến bay giải cứu, câu chuyện "ăn tiền" của cả tù nhân trở về nước cũng được làm rõ.