Bảng điện tử tại phòng họp Đại hội đồng LHQ thể hiện kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 7-4 về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền - Ảnh: AFP
Theo báo New York Times, nghị quyết được tính là thông qua nếu có đến 2/3 số phiếu thuận và không tính phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các lá phiếu có sức nặng ngang nhau.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsy, người đầu tiên phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, gọi việc đình chỉ Nga "không phải là một lựa chọn, mà là một nghĩa vụ".
Đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước phản đối việc đình chỉ Nga với lập luận rằng hành động này là ủng hộ việc tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Trước cuộc bỏ phiếu, Trung Quốc tuyên bố sẽ không ủng hộ việc đình chỉ Nga vì cho rằng động thái này có thể làm trầm trọng thêm cuộc chiến và cần phải điều tra thêm về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine. Brazil, Ai Cập, Mexico, Iran và Nam Phi ủng hộ quan điểm này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã "cảm ơn" tất cả những nước bỏ phiếu ủng hộ, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin lấy làm tiếc về quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. "Chúng tôi rất tiếc về điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình bằng mọi cách".
Theo báo New York Times, Nga sẽ vẫn là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhưng không thể đề xuất các nghị quyết hay tham gia thảo luận về các vấn đề tại cơ quan này, ngoại trừ những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nga. Việc đình chỉ sẽ kết thúc khi Đại hội đồng quyết định dỡ bỏ hoặc cho đến cuối năm 2023, khi nhiệm kỳ thành viên của Nga kết thúc.
Đây không phải là lần đầu tiên một thành viên Hội đồng Nhân quyền bị đình chỉ tư cách thành viên, trường hợp gần nhất trước Nga là Libya vào tháng 3-2011. Tuy nhiên theo Hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên 1 trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an bị đình chỉ tư cách thành viên trong một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), ra đời vào năm 2006 nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền toàn cầu.
Cơ quan này gồm 47 thành viên được bầu chọn, phân chia theo tỉ lệ đại diện các khu vực địa lý thế giới. Nga đại diện cho các nước Đông Âu với nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ tháng 1-2021.
TTO - Trong tuyên bố chung ngày 7-4, các ngoại trưởng G7 tiếp tục lên án và quy trách nhiệm vụ "thường dân Bucha bị sát hại" cho Nga, đồng thời kêu gọi loại Matxcơva khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) trước thềm một cuộc bỏ phiếu tại LHQ.