Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ tháng 7 đến tháng 11-2021, các công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có 8 lần phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động 8.100 tỉ đồng với lãi suất từ 11,5%-12%/năm. Mức lãi suất này cao hơn trái phiếu của các doanh nghiệp (DN) - khoảng 10%-11% và cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động của ngân hàng.
Cam kết trả lãi tới 21,3%
Đáng chú ý là trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh sau khi phát hành lại được đem đi chào bán cho các nhà đầu tư khác thông qua các đơn vị môi giới. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, trước khi có quyết định hủy phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, fanpage của một đại lý quảng cáo: "Trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh là sản phẩm trái phiếu được kiểm duyệt bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, an toàn tuyệt đối, kỳ hạn linh hoạt từ 1 tháng, lãi suất 12% không tưởng, 100% tài sản bảo đảm bằng bất động sản (BĐS); cam kết mua lại, trả gốc và lãi đầy đủ cuối kỳ hạn". Và đặc biệt: "Trong bất kỳ trường hợp nào Tân Hoàng Minh Group luôn đứng ra bảo đảm cho khoản tiền gửi của quý khách hàng"...
Một dự án của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. Ảnh: MINH CHIẾN
Bên bán còn in sẵn một bảng biểu minh họa hiệu quả đầu tư để người mua trái phiếu dễ hình dung. Theo đó, với 1 tỉ đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, kỳ hạn 4 năm, nhà đầu tư được hưởng lãi suất 11,4%/năm (sau thuế) và được trả lãi 3 tháng 1 lần; tính ra sau 4 năm nhận lại vốn gốc và lãi hơn 1,456 tỉ đồng. Còn nếu sau mỗi lần nhận lãi, người mua trái phiếu dùng số tiền lãi để tái đầu tư sẽ được nhận thêm 97,6 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền nhà đầu tư nhận được sau 4 năm bao gồm lãi suất thực nhận cộng với tiền lãi tái đầu tư là hơn 1,55 tỉ đồng.
Trước đó, hồi tháng 7-2021, công ty thành viên của một tập đoàn chuyên kinh doanh về taxi, vận tải hàng hóa, du lịch và BĐS trải dài từ Nam ra Bắc công bố phát hành trái phiếu với lãi suất kèm những điều kiện ưu đãi lên tới 21,3%. Cụ thể, Công ty CP N.T Rạch Giá trực thuộc Tập đoàn N.T phát hành 4.661 trái phiếu, mệnh giá từ 5 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 12 - 60 tháng, lãi suất dự kiến cố định 12%/năm; tổng giá trị trái phiếu phát hành là 150 tỉ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động cho việc thực hiện các chương trình, dự án giai đoạn 2021-2025. Công ty này chào mời người mua trái phiếu với cam kết nếu mua trái phiếu kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 10%, cộng với việc trả thưởng 6,3% và khuyến mãi 5%, tính ra mức sinh lời lên tới 21,3%/năm và được thanh toán lãi hằng tháng. Khi chúng tôi quan tâm tính pháp lý của đơn vị phát hành, nhân viên này cho biết Công ty CP N.T Rạch Giá đã làm đầy đủ các thủ tục phát hành hình thức riêng lẻ theo Nghị định 153 của Chính phủ. Đơn vị tư vấn, tổ chức đăng ký lưu ký trái phiếu là Công ty Chứng khoán BOS (Hà Nội).
"Công ty CP N.T Rạch Giá là đại diện phát hành trái phiếu cho Tập đoàn N.T để tập đoàn đầu tư vào 2 chuỗi gara ôtô lớn nhất ở 2 tỉnh Bình Dương và Kiên Giang nên chuyện phá sản là rất khó xảy ra. Tuy phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm nhưng công ty có nền tảng kinh tế rất vững, giá trị tài sản lên đến 700 tỉ đồng..." - nhân viên Tập đoàn N.T trấn an rồi cho biết có rất nhiều nhà đầu tư ở TP HCM, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Hà Nội... tin tưởng và mua trái phiếu. Riêng câu hỏi của chúng tôi về việc ngân hàng nào tham gia bảo lãnh thanh toán trái phiếu thì không được người này trả lời.
Cá nhân không nên mua trái phiếu
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Trung Minh phân tích việc các DN phát hành trái phiếu để huy động vốn với mức trên 10%/năm có thể là cao so với lãi suất tiền gửi nhưng cũng tương đương so với việc đi vay vốn ở ngân hàng, trong khi tiếp cận vốn vay trung dài hạn thời điểm này không dễ. Riêng với trái phiếu của DN BĐS, theo thống kê giá nhà đất ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 18%-30% nên việc huy động vốn lãi suất cao qua trái phiếu có thể không lỗ. "Câu chuyện rủi ro của trái phiếu DN cần được đề cập ở khía cạnh DN có minh bạch, sử dụng dòng vốn sau khi huy động từ phát hành trái phiếu hay không? DN huy động vốn để làm gì? Triển khai dự án nào? Dự án đó có pháp lý rõ ràng chưa hay chỉ thấy dự án tiềm năng rồi đi gom tiền của nhà đầu tư xong sử dụng sai mục đích. Thậm chí, một số DN còn phát hành trái phiếu tràn lan mà không có mục đích rõ ràng. Khả năng quản lý dòng tiền và tối ưu hóa rủi ro của DN sau khi huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng là bài toán cần tính rõ" - TS Huỳnh Trung Minh nói.
Một mẫu quảng cáo về trái phiếu Tân Hoàng Minh được đăng trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh cơ quan quản lý cần giám sát việc phát hành trái phiếu của DN và mỗi lần phát hành cần công bố kế hoạch sử dụng vốn đúng mục đích.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất trái phiếu cao hấp dẫn nhà đầu tư nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro, Bộ Tài chính và các chuyên gia, công ty chứng khoán đã cảnh báo nhiều lần. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cho biết đã rất quyết liệt trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu DN phát triển an toàn, bền vững.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu DN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu... "Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó phải thận trọng đánh giá kỹ về những rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu" - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Chưa hết, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu DN không có nghĩa là các tổ chức này bảo đảm an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành. Do đó, họ không có trách nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.
Ngay cả việc cổ phiếu vẫn được dùng khá nhiều làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu DN. Tuy nhiên, trong một báo cáo về trái phiếu DN của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia phân tích của công ty này cũng lưu ý việc bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, DN mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản bảo đảm (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Khẩn trương thanh tra phát hành trái phiếu
Ngày 7-4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 304 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu DN và đấu giá quyền sử dụng đất. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu DN đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biễn thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu DN, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng: Khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN BĐS, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng... theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15-4-2022. T.Dũng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-4