Hôm 7-4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền vì các phản ánh Nga “vi phạm và lạm dụng nhân quyền một cách toàn diện và có hệ thống" ở Ukraine, Moscow ngay sau đó tuyên bố rút khỏi cơ quan nhân quyền này, hãng tin Reuters cho hay.
Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên này do Mỹ đề xuất đã nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Trong đó, Trung Quốc bỏ phiếu chống, còn Ấn Độ, Brazil, Nam Phi bỏ phiếu trắng.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine - ông Dmitry Kuleba bày tỏ sự ủng hộ với kết quả của cuộc bỏ phiếu này. Ông viết trên Twitter: “Tội phạm chiến tranh không có chỗ trong các cơ quan nhằm mục đích bảo vệ nhân quyền của LHQ. Biết ơn tất cả các quốc gia thành viên đã ủng hộ nghị quyết này của Đại hội đồng và đã chọn đúng bên của lịch sử”, đài RT cho hay.
Đại diện Ukraine phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 7-4. Ảnh: REUTERS
Phía Moscow chỉ trích việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền và tuyên bố rút khỏi cơ quan này.
Đại sứ Nga tại LHQ Gennady Gatilov nói việc loại Nga ra khỏi cơ quan của LHQ là “bất hợp pháp và có động cơ chính trị”. Bà cho rằng Mỹ sự giả vờ dũng cảm để xây dựng hình ảnh đẹp trước công chúng khi đưa ra đề xuất, đồng thời cáo buộc Washington khai thác khủng hoảng Ukraine để mang lại lợi ích cho mình. Đồng thời, bà tuyên bố Nga xin rút khỏi Hội đồng Nhân quyền.
Sau khi Nga đòi rút khỏi cơ quan nói trên, Đại sứ Ukraine tại LHQ nói: "Bạn không thể nộp đơn xin nghỉ việc sau khi bạn bị sa thải”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield hôm 7-4 phát biểu rằng LHQ "đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng cộng đồng quốc tế sẽ không làm ngơ trước sự đau đớn của các nạn nhân và những người sống”. Bà khẳng định LHQ sẽ không cho phép một quốc gia vi phạm nhân quyền đảm nhận vị trí lãnh đạo lĩnh vực này ở cơ quan của LHQ.
Nghị quyết hôm 7-4 là nghị quyết thứ 3 được Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên thông qua kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2.
Hai nghị quyết trước đó được Đại hội đồng thông qua là nghị quyết yêu cầu Nga ngừng chiến dịch quân sự và rút quân khỏi Ukraine và nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine với số phiếu thuận lần lượt là 141 và 140.
Ở Hội đồng Nhân quyền, việc đình chỉ tư cách thành viên là điều rất hiếm. Hồi năm 2011, Libya bị đình chỉ tư cách thành viên vì bạo lực chống lại người biểu tình.
Hội đồng Nhân quyền không đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các nghị quyết này gửi đi các thông điệp chính trị quan trọng và tạo điều kiện cho các cuộc điều tra.