Gia đình Sano sống ở thành phố Sanjo, tỉnh Niigata, bao quanh bởi núi rừng và gần biển. Fusako Sano, 9 tuổi, tự đi đến trường từ năm lớp hai, không cần bố mẹ đưa đón. Nhưng vào ngày 13/11/1990, gia đình chờ mãi không thấy Fusako đi học về.
18h30, họ gọi hỏi giáo viên và một vài phụ huynh có con chơi thân với Fusako nhưng không ai hay biết gì. Bố mẹ Fusako vội ra ngoài tìm kiếm dọc đường về nhà của con. Con đường này thường vắng vẻ, càng tối càng thưa thớt bóng người. Không tìm thấy Fusako, hai vợ chồng báo cảnh sát lúc 19h45.
Cảnh sát lập tức mở cuộc tìm kiếm. Tuy nhiên, do không có camera giám sát trên đường, không tìm thấy dấu vết khả nghi và không có người qua đường nào nhìn thấy Fusako vào thời điểm cô bé biến mất, cảnh sát không thể xác định được tung tích Fusako.
Chỉ trong vài ngày, nhà chức trách huy động thêm hàng trăm nhân viên tham gia điều tra. Thông báo tìm người mất tích được dán khắp thành phố Sanjo nhưng không có manh mối hữu ích.
Ngày 19/11, cảnh sát giảm dần lực lượng sau khi tìm kiếm trong một tuần, nhận định nạn nhân đã bị hại. Thời gian trôi qua, vụ án bế tắc và bị gác lại, chỉ còn bố mẹ Fusako vẫn kiên trì tìm con.
Bước ngoặt xuất hiện vào gần hơn 9 năm sau. Một phụ nữ 73 tuổi trình báo bị con trai tên Nobuyuki Sato đánh đập nhiều lần. Bà đã báo cáo hành vi bạo lực của con vào tháng 1/1996, ngày 12/1/2000 và ngày 19/1/2000 cho bệnh viện và cảnh sát nhưng không ai đến giải quyết.
Khi tiếp tục bị đánh và bắn súng điện hầu như mỗi ngày, bà một lần nữa cầu cứu bệnh viện. Ngày 28/1/2000, các nhân viên y tế đến nhà Sato, gọi anh ta xuống để nói chuyện nhưng không nhận được câu trả lời. Họ quyết định lên phòng Sato ở tầng hai và bị anh ta phản ứng kịch liệt như phát điên. Năm nhân viên hợp sức khống chế Sato, tiêm thuốc an thần và đưa anh ta đến bệnh viện.
Lúc này, họ phát hiện thứ gì đó chuyển động dưới tấm chăn trên giường, họ lật ra và phát hiện một cô gái gầy trơ xương. Các nhân viên nhận ra đây chính là cô bé Fusako mất tích năm 1990 khi cô gái nói tên mình.
Trước cảnh sát, Fusako kể bị bắt cóc gần trường học, bị một người đàn ông lôi lên ôtô đem về nhốt. Hơn 9 năm qua, cô không được bước chân ra khỏi ngôi nhà đó; không bị cưỡng hiếp hay lạm dụng tình dục.
Hai tuần sau, Sato bị bắt. Qua điều tra, nhiều chi tiết vụ án được công bố gây chấn động Nhật Bản.
Nobuyuki Sato sinh năm 1962 trong một gia đình trung lưu ở thành phố Kashiwazaki, cách thành phố Sanjo 50 km. Khi Sato ra đời, bố hắn đã 62 tuổi, là lãnh đạo một công ty taxi sắp nghỉ hưu, còn mẹ 35 tuổi, làm trong ngành bảo hiểm. Cặp vợ chồng nhất mực yêu chiều đứa con trai duy nhất khiến Sato trở nên ngang ngược, ích kỷ.
Vì có bố lớn tuổi, Sato thường bị bạn học chế giễu dẫn đến tranh cãi, đánh lộn. Tính cách Sato ngày càng bạo lực, với người ngoài và cả bố mẹ.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Sato đi làm trong cửa hàng sửa chữa ôtô. Nhưng ngay ngày đầu tiên, hắn đã bỏ việc vì sợ bẩn, từ đó không bao giờ đi làm nữa. Sato sống khép kín trên tầng hai ngôi nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Năm 1989, bố Sato qua đời trong viện điều dưỡng sau khi bị con đuổi khỏi nhà. Các hàng xóm báo cáo về việc Sato phá cửa, đập vỡ cửa sổ nhà mình, đánh mẹ bầm tím mặt mày.
Trước khi bắt cóc Fusako, Sato từng bị bắt và buộc tội bắt cóc một bé gái khác vào tháng 6/1989. Hắn tóm lấy bé gái trên đường, lôi đi nhưng bị một giáo viên ở gần đó can thiệp, khống chế. Sato chỉ bị kết án một năm tù vì phạm tội lần đầu.
Khoảng 17h ngày 13/11/1990, Sato nhìn thấy Fusako đi bộ dọc đường quốc lộ. Hắn lái xe đến gần, dùng dao khống chế cô bé, uy hiếp không cho lên tiếng rồi kéo vào thùng xe, trói tay chân bằng băng dính, bịt kín mắt. Sato khai rằng chọn Fusako vì "cô bé dễ thương và chỉ có một mình".
Sato chở bé gái về nhà, bí mật đưa lên phòng riêng từ cửa sau rồi vòng ra cửa chính vờ như mới về trước mặt mẹ. Hắn biết mẹ sẽ không lên tầng hai vì trước đó đã cấm bà vào phòng mình và trở nên bạo lực nếu thấy bà làm trái.
Sato đe dọa Fusako không được rời khỏi phòng nếu không sẽ giết rồi phi tang xác trên núi hoặc vứt xuống biển. Trong 9 năm 2 tháng sau đó, Fusako sống trong căn phòng tối tăm cùng Sato. Suốt ba tháng đầu, hắn trói tay chân cô bé. Bất cứ khi nào không trả lời Sato, cố trốn chạy hay rời khỏi giường, cô bé sẽ bị đánh. Hắn thường xuyên trút giận lên người cô bé, dùng súng điện để tra tấn. Fusako chỉ được cho ăn một bữa mỗi ngày, chỉ được tắm rửa một lần duy nhất trong gần 10 năm. Cô bé mắc chứng vàng da, cân nặng sụt từ 46 kg xuống 38 kg, thường xuyên ngất xỉu vì suy dinh dưỡng, tay chân bị teo nên đi lại cũng khó khăn. Sato cho Fusako nghe đài và tự dạy cô bé học.
Đôi khi Fusako bị bỏ lại một mình trong phòng, cửa không khóa, nhưng cô bé không bỏ trốn. Fusako nói với cảnh sát rằng: "Tôi quá sợ hãi nên không dám bỏ trốn và dần mất nghị lực".
Theo giáo sư tâm lý học Akira Yoda, cô bé bị bắt phải tuân theo mệnh lệnh của Sato. "Cô bé không chỉ bị giam cầm về thể chất mà cả linh hồn cũng bị xiềng xích", Hiroaki Iwai, chuyên gia xã hội học tội phạm của Đại học Toyo ở Tokyo, lý giải.
Mẹ của Sato nói không hay biết gì về sự tồn tại của Fusako trong nhà. Tuy nhiên, bà thường xuyên nấu ăn cho hai người và được cho là từng mua băng vệ sinh cho Fusako. Dẫu vậy, cảnh sát không tìm thấy dấu vân tay của bà ta trên tầng hai hay bằng chứng cụ thể nào nên không thể truy tố.
Ngày 10/2/2000, Sato bị buộc tội bắt cóc, hành hung và giam giữ Fusako. Vì hắn có bằng lái xe và thường tham gia cá cược đua ngựa, cảnh sát tin rằng Sato có đủ năng lực hành vi và sức khỏe tâm thần để hầu tòa.
Sau khi Sato nhận tội, tòa tuyên phạt hắn 14 năm tù. Sato được trả tự do năm 2015, đổi tên và chuyển đến sống ở tỉnh Chiba. Hắn chết vì bệnh tật năm 2017 trong trung tâm bảo trợ xã hội.
Vụ bắt cóc Fusako khiến cảnh sát địa phương chịu nhiều chỉ trích. Sato từng có tiền án bắt cóc trẻ em gái nhưng không có tên trong danh sách tội phạm, không bị coi là nghi phạm và không bị thẩm vấn khi Fusako mất tích. Trong khi giải cứu Fusako, cảnh sát trưởng tỉnh Niigata không có mặt ở sở để giám sát vụ việc mà đi chơi mạt chược với người đứng đầu cục cảnh sát khu vực. Cả hai phải từ chức vào cuối tháng 2/2000.
Sau khi được giải cứu, Fusako phải mất nhiều năm để phục hồi sức khỏe tâm lý và thể chất. Cô đã có bằng lái xe, thích chụp ảnh và chăm giúp đỡ gia đình việc đồng áng.
Tuệ Anh (Theo Medium, Niigata Nippo, Asahi)
Xem thêm: lmth.2878444-coc-tab-ib-eb-oc-auc-cugn-aid-ahn-iogn-gnort-man-9/ten.sserpxenv