Hãng tin AFP dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 7-4 cho biết WHO xác nhận đã có hơn 100 vụ tấn công nhằm vào các trung tâm y tế ở Ukraine.
“Tính đến nay, WHO đã xác minh được 103 vụ tấn công nhằm vào các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Ukraine, với 73 người thiệt mạng và 51 người bị thương, bao gồm cả nhân viên y tế và bệnh nhân”, ông Tedros nói, gọi đây là một “cột mốc nghiệt ngã”.
Theo ông Tedros, trong số các vụ tấn công được xác nhận, có 89 vụ nhắm vào các cơ sở y tế và hầu hết những vụ tấn công còn lại là nhắm vào các dịch vụ vận tải y tế, bao gồm xe cứu thương.
“Chúng tôi rất phẫn nộ vì các cuộc tấn công nhằm vào trung tâm y tế vẫn đang tiếp tục diễn ra và tiếp tục vi phạm luật nhân đạo quốc tế” - Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Một bệnh viện tâm thần bị pháo kích của Nga phá hủy hoàn toàn ở TP Mykolaiv, miền nam Ukraine, ngày 22-3. Ảnh: AFP
Phát biểu tại một cuộc họp báo trước đó cùng ngày ở TP Lviv (Ukraine), Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge tiết lộ rằng trong khi lực lượng hỗ trợ y tế đã đến được nhiều "khu vực bị ảnh hưởng", một số vẫn còn nằm ngoài tầm với.
Ông Kluge đồng thời kêu gọi các quốc gia mau chóng hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở TP Mariupol, hiện đang là nơi hứng chịu nhiều cuộc tấn công ác liệt nhất.
"Đúng là một số nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tôi nghĩ rằng ưu tiên của chúng ta ở thời điểm này, ưu tiên mà tất cả chúng ta đều đồng ý, sẽ là Mariupol" - ông Kluge tuyên bố.
Trước đó, hôm 6-4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga ngăn chặn các hoạt động tiếp cận nhân đạo vào Mariupol để che giấu bằng chứng tội ác của quân đội nước này khiến "hàng nghìn" người thiệt mạng tại đây.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu đồng thời lưu ý rằng WHO đã "chuyển hơn 185 tấn vật tư y tế đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ukraine và đã tiếp cận được nửa triệu người".
Ông Kluge cho hay có khoảng "50% nhà thuốc của Ukraine được cho là đã đóng cửa và 1.000 cơ sở y tế nằm gần các khu vực xung đột hoặc các khu vực kiểm soát đã bị ảnh hưởng".
Ông Kluge nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe là một hành vi "vi phạm luật nhân đạo quốc tế" rõ ràng, song nói thêm rằng WHO không có nhiệm vụ quy các vụ tấn công cho các tác nhân mà họ chỉ xác minh rằng các cuộc tấn công đã xảy ra.