Người bệnh lao nhận thuốc miễn phí tại một trạm y tế phường trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: X.MAI
BS.CKI Nguyễn Hoài Minh (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho biết bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng trên thế giới mỗi ngày vẫn còn hơn 4.100 người tử vong và gần 30.000 người mắc bệnh này.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao, và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng.
Hằng năm, Việt Nam có hơn 172.000 người đã mắc bệnh, 10.400 người chết do bệnh lao. Và mỗi năm, nước ta đã phát hiện và điều trị hết bệnh cho trên 100.000 bệnh nhân lao.
Hiện nay, cả nước duy trì tỉ lệ khỏi bệnh là trên 90% với những trường hợp lao mới phát hiện, 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn, và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Đáng lưu ý khi dữ liệu giám sát gần đây cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh lao kháng thuốc đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Bác sĩ Hoài Minh cho hay, hiện bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Đáng sợ hơn khi bệnh dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Không ai mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Trong khi đó, từ khi phát bệnh đến khi tử vong, bệnh đã lây sang rất nhiều người khác. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.
Theo bác sĩ Hoài Minh, nước ta cần có sự tiếp cận chủ động của cộng đồng với các dịch vụ phòng chống lao để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và trị khỏi cho tất cả các thể lao để cắt đứt nguồn lây, tiến đến chấm dứt bệnh lao.
"Cần phải cấp thiết hành động trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, từ đó sẽ giảm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giảm gánh nặng do bệnh lao", bác sĩ Hoài Minh chia sẻ.
Bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị tốt. Chủng vi khuẩn kháng thuốc này lây cho người khác. Do đó đã phát hiện những người bệnh nhiễm chủng kháng thuốc ngay lần đầu tiên mắc lao.
Ngày 4-6, Công ty VinBrain (Tập đoàn Vingroup) và FIT (tổ chức phi chính phủ của Đức hoạt động trong lĩnh vực phòng và chống lao) công bố sách trắng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho chẩn đoán và tầm soát bệnh lao tại Việt Nam.
Xem thêm: mth.43132502280402202-couht-gnahk-oal-hneb-el-it-ev-uac-naot-11-uht-gnud-man-teiv/nv.ertiout