Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42
Theo dự kiến, tại phiên họp thứ 10 (bắt đầu từ ngày 14/4/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tại tờ trình nội dung trên, Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15/8/2024), không đề xuất điều chỉnh, bổ sung bất cứ quy định nào tại nghị quyết này.
Nhưng, những ý kiến tham gia thẩm tra tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội không chỉ đặt ra yêu cầu cấp bách cần có Luật Xử lý nợ xấu, mà còn cho thấy việc chỉ đề xuất kéo dài Nghị quyết 42 là mất đi cơ hội để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn.
Theo quy trình, để có được hồ sơ trình Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) đã phải thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành, đối tượng chịu sự tác động. Thế nhưng, ở phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, vẫn có ý kiến phản ánh rằng góp ý chưa được tiếp thu.
Theo Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng, Nghị quyết 42 nêu rõ, những trường hợp nào Nghị quyết không quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành, mà Nghị quyết không có quy định gì về thuế, nên đương nhiên ngành thuế vẫn thực hiện theo luật hiện hành. Thế nhưng, trên thực tế, ngành thuế đã phải “vận dụng” để thực hiện Nghị quyết 42. Cụ thể là, các doanh nghiệp có tài sản bảo đảm đi vay ngân hàng không trả nợ được (họ cũng đang nợ thuế) thì bị kê biên tài sản, theo luật thuế thì lẽ ra phải kê biên để thu thuế, nhưng thực hiện Nghị quyết 42, nên cơ quan thuế không kê biên.
Rồi khi bán tài sản thì đương nhiên tiền phải thu về ngân sách trước, nhưng lần này cũng để doanh nghiệp ưu tiên trả nợ ngân hàng đầy đủ đã. Cả hai việc này, theo ông Nguyễn Văn Phụng, là nếu cứ chiếu theo luật thì đầy rủi ro cho cán bộ thuế.
Một vấn đề nữa, đã báo cáo mà chưa được tiếp thu, nên nhân diễn đàn này, ông Phụng giãi bày “giùm” 3 vạn cán bộ thuế đang phải chịu ấm ức, đó là vướng mắc liên quan đến thuế gắn với nghĩa vụ tài sản. Đây là loại thuế không thể nào bỏ được, vì nghĩa vụ này gắn với từng cá nhân, từng pháp nhân, từng chủ tài sản.
Thế nhưng, vừa qua, để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho dân, có cả loại sổ đỏ được ghi nợ tiền sử dụng đất. Vì ghi nợ nên khi sổ này được đưa ra giao dịch thì phải nộp tiền nợ. Tức là, ngân hàng nhận sổ đỏ này làm tài sản thế chấp, khi bán đi thì ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thuế của chủ sổ đỏ.
Nhưng hiện nay, các ngân hàng thương mại lại không hiểu vấn đề này, nên cứ bảo ngành thuế gây khó khăn.
“Anh em thuế rất oan ức, nên rất cần có luật để điều chỉnh đầy đủ các vấn đề liên quan, trong đó có mấy thứ thuế nêu trên”, ông Phụng giãi bày và nói rõ là với tư cách chuyên gia, ông đề nghị nếu chưa có luật mà kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, thì phải có hướng dẫn thật rõ để mọi vấn đề được minh bạch và cán bộ thuế yên tâm thực hiện công việc của mình.
Cần điều chỉnh đối tượng thụ hưởng chính sách
Ông Nguyễn Huy Lập - thành viên Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho rằng, cần có sự điều chỉnh đối tượng được thụ hưởng chính sách tại Nghị quyết 42.
“Khi Nghị quyết 42 được ban hành, DATC thực sự rất vui mừng trước quyết tâm rất cao của Nhà nước trong xử lý nợ, nhưng đọc kỹ lại cả Nghị quyết 42 và văn bản hướng dẫn thì chúng tôi lại rất ngạc nhiên khi DATC lại không phải đơn vị chính được thụ hưởng, trong khi đây là doanh nghiệp đầu tiên Chính phủ thành lập ra để xử lý nợ. Chúng tôi không dám đi tìm nguyên nhân vì sao, mà cứ tự hỏi lại là DATC có xứng đáng để được thực hiện Nghị quyết 42 hay không. Sau khi nghiên cứu và xét lại mình thì chúng tôi thấy chúng tôi xứng đáng”, vị này phát biểu.
Khá nhiều con số và thông tin được đại diện DATC dẫn ra để chứng minh cho sự xứng đáng đó, trong đó có kết quả công ty này tham gia xử lý nợ xấu của chính các ngân hàng.
Khi DATC mới được thành lập, thì tại 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, tình hình tài chính không mạnh, nợ xấu cũng rất nhiều, cản trở cổ phần hóa và DATC được thành lập là nhắm vào xử lý nợ xấu của ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Từ khi thành lập đến nay, DATC đã xử lý được 90.000 tỷ đồng, trong đó 92% là nợ của các tổ chức tín dụng.
Sau thông tin như vậy, ông Lập nhấn mạnh: “Nếu xét về mục tiêu thành lập là định chế lớn trong xử lý nợ ngân hàng mà DATC lại không được hưởng cơ chế tại Nghị quyết 42, nên chúng tôi rất là ngạc nhiên”.
Vị đại diện DATC cũng “thiết tha đề nghị bổ sung DATC vào đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 42” trong trường hợp Nghị quyết được kéo dài.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, trong khi chờ một hành lang pháp lý cao hơn, thì các bất cập, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 42 cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, đang là “cục máu đông” của nền kinh tế.
Chỉ kéo dài thời hạn có đáp ứng yêu cầu
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đình Việt, Chính phủ đã nhìn nhận nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, song phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 chỉ đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 15/8/2017, hoặc dư nợ trước thời điểm này và chuyển thành nợ xấu trong thời gian áp dụng Nghị quyết.
Ông Việt đặt vấn đề, nếu chỉ kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 có đáp ứng được yêu cầu hay không, còn có nội dung nào có thể điều chỉnh và có tính khả thi hay không là vấn đề cần được cân nhắc thấu đáo.
Xem thêm: lmth.69011000042210202-uax-on-yl-ux-gnort-noh-gnab-gnoc/nv.semitaer