Căng thẳng vụ tấn công ga tàu Kramatorsk
. Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga nã tên lửa vào ga tàu hoả ở thành phố Kramatorsk, phía đông tỉnh Donetsk hôm 8-4 khiến ít nhất 52 người thiệt mạng, hãng tin Reuters cho hay.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky gọi đây là cuộc tấn công có chủ ý của Nga nhằm vào dân thường. Thống đốc Pavlo Kyrylenko cho biết nhà ga đã bị trúng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka U có chứa đạn chùm, nó đã phát nổ giữa không trung và rải những quả bom nhỏ trên diện rộng. Thị trưởng Aleksandr Goncharenko cho biết các mảnh vỡ tên lửa rơi rải rác cách tâm điểm thiệt hại 40 mét và ước tính lúc tên lửa nã vào thì ga tàu có khoảng 4.000 dân thường đang chờ tàu để sơ tán.
. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công ga tàu nói trên. Cơ quan này cho rằng quân Ukraine đã nhắm mục tiêu vào nhà ga để làm gián đoạn việc sơ tán, giữ dân thường trong thành phố để làm “bia đỡ đạn” trong những cuộc chiến sắp tới, đài RT đưa tin.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Kiev là bên duy nhất trong cuộc xung đột Ukraine sử dụng tên lửa Tochka U do Liên Xô sản xuất. Ngoài ra, bộ cũng cho biết có các tài khoản trên mạng xã hội khẳng định rằng Nga cũng có chúng nhưng những hình ảnh được đưa ra làm bằng chứng thì lại được chụp ở Belarus - nước sở hữu một vài hệ thống vũ khí này.
Hành lý và máu trên sân ga Kramatorsk (Ukraine) sau khi bị nã tên lửa hôm 8-4. Anhr: REUTERS
. Hôm 8-4, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - ông Stephane Dujarric nói rằng cuộc không kích vào ga tàu Kramatorsk khiến nhiều dân thường chờ sơ tán và các cuộc tấn công nhằm vào dân thường là không thể chấp nhận được bởi nó vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế. Ông khẳng định thủ phạm trong cuộc tấn công này phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế về hành vi của mình, hãng thông tấn TASS cho hay.
. Hôm 8-4, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola lên án vụ tấn công vào ga tàu và các vụ tấn công nhằm vào người dân khác của Nga là “tội ác chiến tranh quốc tế, nhằm chống lại những người dân của đất nước có chủ quyền”. Bà cho biết châu Âu đang tài trợ cho Ukraine chiến đấu, trực tiếp hay gián tiếp và châu Âu phải chịu trách nhiệm về việc không hành động sớm hơn để ngăn chặn chiến tranh, theo đài CNN.
. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng việc Nga nói quân của mình không tấn công ga tàu ở Ukraine là thiếu thuyết phục. Ông nói rằng Nga đã sử dụng tên lửa tầm ngắn để tấn công. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên án cuộc tấn công của Nga vào một ga đường sắt ở thành phố Kramatorsk và bày tỏ phẫn nộ trước hành động tàn bạo, coi thường mạng sống của dân thường quân Nga gây ra.
Động thái mới từ các nước châu Âu, châu Á
. Nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu đã đến thăm thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev - nơi Ukraine cáo buộc Nga thảm sát dân thường, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cam kết đẩy nhanh tiến độ cho Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, đoàn lãnh đạo châu Âu đến thăm Bucha gồm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell và Thủ tướng Slovakia Eduard Heger, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.
Các lãnh đạo cấp cao châu Âu thăm Bucha- nơi Ukraine cáo buộc Nga thảm sát dân thường. Ảnh: REUTERS
Sau khi xem xét hiện trường ở Bucha, bà Ursula von der Leyen nói rằng: "Điều không thể tưởng tượng được đã xảy ra ở đây. Chúng tôi đã thấy sự tàn nhẫn của quân đội Nga”. Đồng thời, bà đã đưa cho ông Zelensky một phong bì, chứa những câu hỏi để chuẩn bị cho cuộc hội đàm sắp tới giữa Ukraine và EU và gọi đây là “bước đi quan trọng” trong việc gia nhập khối của Ukraine.
. Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cảnh báo công dân nước này nên tránh sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không Nga do lo ngại chính quyền Nga đang tiến hành những hành vi không an toàn. Động thái này theo sau quyết định của Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) khi liệt Nga vào danh sách theo dõi an toàn. Trước đó, các hãng hàng không Nga đã bị cấm bay vào Anh, hãng tin Reuters cho hay.
. Thủ tướng Slovakia - ông Eduard Heger xác nhận nước này đã cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine để chống chiến dịch quân sự của Nga. Ông khẳng định việc gửi vũ khí cho Ukraine là đúng luật quốc tế, theo điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc về vấn đề tự vệ. Đồng thời, ông nói rằng việc cung cấp vũ khí này không có nghĩa là Slovakia trở thành một phần của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ukrinform đưa tin hôm 8-4.
. Hôm 8-4, Nhật thông báo sẽ trục xuất 8 nhà ngoại giao và quan chức thương mại Nga, đồng thời sẽ ngừng dần việc nhập khẩu than, dầu và các mặt hàng khác của Nga và cấm đầu tư vào nước này, đài ABC đưa tin. Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng Moscow phải chịu trách nhiệm về những gì đã gây ra ở Ukraine, khi có những hành động tàn bạo đối với dân thường, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các biện pháp trừng phạt bổ sung này sẽ tương xứng với thỏa thuận của Nhóm G7, gồm 7 quốc gia công nghiệp phát triển.
Phản ứng mới từ Nga
. Nga đã tuyên bố trục xuất 45 nhà ngoại giao của đại sứ quán và lãnh sự quán Ba Lan tại Nga vì là những “người không được hoan nghênh”. Động thái này nhằm mục đích trả đũa việc Ba Lan trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga hồi tháng 3 vì cáo buộc những người này làm việc cho cơ quan tình báo Nga, theo Reuters.
Lực lượng cứu hộ tại khu vực bị Nga pháo kích ở thị trấn Borodyanka, Ukraine hôm 7-4. Ảnh: REUTERS
. Hôm 8-4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết các lệnh pháp trừng phạt chưa từng tiền lệ đối với Nga hiện nay sẽ gây ra sự sụp đổ hơn nữa đối với tất cả các định chế quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc. Ông khẳng định việc trừng phạt Nga là điều bất hợp pháp, là biện pháp trả đũa chứ không phải trừng phạt theo luật pháp quốc tế bởi trừng phạt do một quốc gia và đồng minh của nước đó tiến hành, hãng thông tấn TASS đưa tin.
. Nga đã lệnh đóng cửa hơn chục chi nhánh của các tổ chức phi lợi nhuận, quỹ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại phương Tây vì cáo buộc các tổ chức này vi phạm luật pháp Nga. Theo đó, các tổ chức bị dừng hoạt động ở Nga có Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, và một số tổ chức phi chính phủ của Đức và Ba Lan, theo đài RT.
. Hôm 8-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề xuất Belarus là một trong những nước bảo lãnh an ninh cho Ukraine, nếu Kiev chấp nhận quy chế trung lập.