Mới đây, các nhóm mạng xã hội về ô tô liên tục chia sẻ hình ảnh về thông cáo của Toyota Việt Nam liên quan đến nội dung khách hàng phải “mua bia kèm lạc” để được nhận xe sớm.
Theo đó, bản thông cáo có nội dung như sau: “Gần đây Toyota Việt Nam nhận được một số thông tin về việc khách hàng phải mua phụ kiện kèm theo xe nếu muốn nhận xe sớm. Chúng tôi xin khẳng định, chúng tôi không có chủ trương này. Chính sách của Toyota Việt Nam luôn nhất quán khách hàng đến trước được phục vụ trước. Chúng tôi yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách trên để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Nếu xảy ra hiện tượng trên, quý khách hàng hãy phản ánh cho Toyota Việt Nam qua đường dây nóng 18001524. Chúng tôi sẽ tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ Đại lý”.
Thông cáo được Toyota gửi đến đại lý và khách hàng.
Trước thông cáo này của Toyota Việt Nam, nhiều người dùng cho rằng đây là hình thức của nhiều đại lý không chỉ riêng Toyota mà còn một số hãng xe khác. Do đó, dù hãng xe có khuyến cáo thì đại lý cũng có chiêu thức để “lách luật” từ nhà sản xuất.
Anh Nguyễn Trọng Kiên cho rằng: “Bia kèm lạc là chính sách của đại lý chặt chém thêm khách hàng, chứ phía hãng xe sẽ không thực hiện hình thức này mà chỉ bắt đại lý nộp đủ tiền trước khi giao xe thôi”.
Còn chị Thu Hương lại cho rằng: ‘Trong hợp đồng đặt cọc phải có ngày giao xe cụ thể và nếu phá hợp đồng, đại lý phải bồi thường số tiền gấp đôi đặt cọc. Nếu hãng xe này “ép” khách hàng thì người tiêu dùng có thể mua hãng xe khác. Thị trường ô tô Việt Nam cạnh tranh rất lành mạnh, hiện có nhiều hãng xe cho mình lựa chọn”.
Anh Phạm Hiếu cũng chia sẻ: “Kinh tế thị trường thôi, trong bối cảnh nguồn cung chip khan hiếm dẫn đến thiếu xe thì việc khách hàng phải trả thêm tiền để có thể sở hữu là việc rất bình thường, bất kì ngành nghề nào cũng có trừ một số ngành liên quan đến sức khoẻ con người”.
Đồng quan điểm trên, anh Văn Lâm lại cho rằng: “Khó trách đại lý, đặt xe họ vẫn có xe giao, chỉ là tháng 4, tháng 5 hay tháng 9, 10 mà thôi. Muốn có xe giao ngay thì thêm tiền, thuận mua vừa bán, không mua hãng này bạn có thể mua xe hãng khác”.
Trước đó, trao đổi với PLO, ông Võ Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Bình Minh, nhận xét việc các đại lý bán hàng kiểu “bia kèm lạc” là cách làm ăn không đàng hoàng nhằm thu thêm lợi nhuận từ việc bán xe, ép khách hàng mua những phụ kiện mà chưa chắc khách hàng đã muốn mua.
Ông Bình nhấn mạnh: “Khi khách hàng mua xe, việc mua phụ kiện hay không là quyền của họ, không thể ép họ mua được. Tuy nhiên, lợi dụng sự khan hiếm hàng nên các đại lý tung ra chiêu trò trên. Thậm chí có những phụ kiện không thực sự cần thiết nhưng vẫn ép khách hàng mua thì mới bán xe”.
Phải trả gấp đôi tiền cọc nếu không giao xe đúng hạn Việc bán xe theo hình thức "bia kèm lạc" không còn lạ lẫm gì đối với thị trường ô tô Việt Nam. Trước đó Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã khuyến cáo, khi xe chưa có sẵn tại đại lý, đại lý bán xe sẽ yêu cầu khách hàng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. Khoản đặt cọc, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện sự việc khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký, đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho khách hàng. Do đó, để tránh tranh chấp xảy ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người mua xe cần đọc kỹ biên bản thỏa thuận cọc giữa hai bên. Trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà bên mua đã đặt cọc. Đơn cử, nếu người mua xe đặt cọc 100 triệu đồng mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch, đại lý phải trả khách hàng khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng. Mặt khác, nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người mua có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng. |