Giá cả leo thang trong khi đồng lương không tăng 2 năm liền, đời sống người lao động càng thêm khó khăn khi phải tiết kiệm chi tiêu cho từng bữa ăn - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Sau hai năm liền trì hoãn tăng lương tối thiểu với mục đích chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch thì đã đến lúc cần phải tăng lương tối thiểu cho người lao động.
* Ông Hồ Xuân Lâm (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM):
Doanh nghiệp khó 1, người lao động khó 10
Giữa tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, người lao động đang phải vật lộn với chi tiêu hằng ngày. Doanh nghiệp khó 1 thì người lao động khó khăn 10, không thể để người lao động gánh khó khăn mãi được.
Nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do chẳng hạn như thời điểm giữa năm không điều chỉnh được hạn mức kinh doanh trong năm nên không đồng tình tăng lương tối thiểu. Nhưng đời sống người lao động đang rất chật vật. Người lao động là nhân tố chính cho hoạt động của doanh nghiệp.
Việc đảm bảo thu nhập đủ sống cho người lao động là yếu tố quan trọng để ổn định sản xuất, ổn định mối quan hệ giữa lao động và doanh nghiệp. Nếu tiếp tục trì hoãn sẽ làm nảy sinh bất ổn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và mục tiêu phục hồi sản xuất sẽ khó thực hiện được.
Việc tăng lương tối thiểu là cấp thiết nhưng mức tăng như thế nào thì Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ xem xét trên cơ sở điều tra, khảo sát.
Người lao động đang rất trông chờ điều này. Nhiều ý kiến cho rằng tăng lương thời điểm này sẽ làm mất lợi thế thu hút đầu tư. Nhưng không thể cứ mãi đem cuộc sống của người lao động ra đánh đổi, không thể cứ giữ mãi "lao động giá rẻ" làm lợi thế.
* Chị Trần Thị Lan (37 tuổi, quê Hà Tĩnh; công nhân may Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM):
Lương hai năm không tăng, hụt hẫng lắm!
Lương công nhân mới ở công ty tôi giờ khoảng 4,7 triệu đồng, tăng ca nữa thì khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Tôi làm công nhân 13 năm nên lương khoảng 8,3 triệu đồng.
Nếu độc thân chắc cũng đã khó xoay xở rồi. Trong khi vợ chồng tôi ở trọ làm công nhân nuôi hai đứa con, một đứa học lớp 8, một đứa học mẫu giáo, tiền tháng nào hết tháng đó.
Hai năm qua công ty không tăng lương, nghĩ đại dịch ai cũng khó khăn nên cũng tằn tiện sống qua ngày. Nhưng giờ giá cả tăng quá, đồng lương không còn đủ trang trải nữa, phải ráng lắm mới xoay xở nổi.
Với công nhân thì mỗi năm đều trông chờ tăng lương, hai năm không tăng thấy hụt hẫng lắm, tết về muốn ở lại quê tìm công việc khác. Nhưng rồi con cái vẫn đang học hành dở dang trong này nên cả nhà lại khăn gói trở lại. Lương thì vẫn như cũ, giá cả lại tăng, không biết còn trụ được đến bao giờ.
Tăng lương càng sớm càng tốt
Sáng 9-4, tôi đọc chùm bài về lương tối thiểu trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần mà nghẹn lòng, cay mắt.
Người lao động đã tằn tiện đến hết mức rồi, những bữa ăn với mì gói ngày càng nhiều hơn, những khoản tiền tiết kiệm để phòng thân đã cạn kiệt sau nhiều tháng ngưng việc, giảm lương, thậm chí là mất việc không lương. Nay vừa tìm được việc thì đối mặt với "bão giá".
Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp đàm phán về lương tối thiểu vùng. Lương bao giờ tăng, thời điểm nào phù hợp trong khi lương tối thiểu đã đứng yên hai năm qua và giờ đây người lao động đang bóp bụng với những bữa ăn tiết kiệm hết mức?
Tăng lương càng sớm càng tốt, đó là một sự thúc bách từ thực tế. Điều này không chỉ thêm ít tiền để người lao động trang trải cuộc sống mà còn có ý nghĩa tinh thần và an sinh xã hội.
Mọi trợ lực nhanh chóng lúc này không chỉ là chuyện lương tiền mà còn giúp người lao động yên tâm nhất có thể với công việc và cuộc sống hiện tại.
Từ đó, có thể họ cố gắng thêm, không bỏ việc, không phải đi tìm chốn ở mới chật chội bất tiện hơn khi thiếu tiền thuê trọ. Và từ đó, doanh nghiệp không mất người, sản xuất có thể ổn định nhanh hơn, các khu công nghiệp dần thoát cảnh khó khăn do không thể tuyển được nhân công.
Thêm một ít tiền lương cũng có thể là động lực cho người lao động đóng góp, cống hiến nhiều hơn. Khi phải ăn thiếu dinh dưỡng thậm chí gộp bữa thì hiệu quả lao động hẳn nhiên giảm, trẻ em sẽ học tốt hơn khi điều kiện sống tốt hơn.
Lương tối thiểu bao giờ tăng? Tháng 7-2022 hay đầu năm 2023 vẫn còn đang chờ quyết định. Thực tế mấy hôm nay, người lao động lại theo nhau đi làm thủ tục rút sổ bảo hiểm xã hội một lần.
Mỗi người trong số họ hẳn có lý do và hoàn cảnh riêng, có người quá túng, có người mất việc đã lâu, không có sự lựa chọn khác tốt hơn nhưng cũng có không ít người vội vàng rút sổ cầm tiền và tương lai bấp bênh trước mắt. Đáng buồn hơn là thực tế nhiều người đang âm thầm cầm cố sổ bảo hiểm để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt.
Nếu có thể nhanh chóng tăng lương sẽ vơi giảm nỗi lo cho người lao động, trước nhất là về tinh thần. Còn việc khó khăn của doanh nghiệp, sẽ cần những giải pháp ngắn hạn và dài hạn với từng nhóm doanh nghiệp.
PHƯƠNG NGA
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 7-1-2022 nhưng chưa có thông tin về mức tăng.
Từ ngày 1-4, Bộ LĐ-TB&XH đã bắt đầu khảo sát về lao động, tiền lương và mức sống của người lao động tại 18 tỉnh thành để có cơ sở cho việc điều chỉnh lương tối thiểu.
Theo thống kê của VCCI, có khoảng 10 triệu lao động cả nước chịu tác động của lương tối thiểu (con số chỉ tính lao động trong doanh nghiệp, chưa tính lao động các khu vực khác).
TTO - Sau 2 năm liên tiếp không tăng lương tối thiểu vùng, cuộc sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động mong muốn sớm "khởi động lại" việc tăng lương để đảm bảo an sinh xã hội.
Xem thêm: mth.98343100290402202-iam-naoh-irt-eht-gnohk-ueiht-iot-gnoul-gnat/nv.ertiout