Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mới đây đã gửi báo cáo định kỳ về tình hình tài chính năm 2021 đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với tình hình kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, liên doanh VSIP năm vừa rồi tăng trưởng 25% lợi nhuận lên gần 1.795 tỷ đồng. Điều này dẫn đến sự xáo trộn về kết quả kinh doanh giữa các ông lớn khu công nghiệp.
Trong năm 2020, VSIP cũng thu về số tiền lãi hơn 1.437 tỷ đồng, chỉ sau Becamex. Vốn chủ sở hữu của ông lớn ngành khu công nghiệp này đang đạt quy mô trên 12.326 tỷ đồng, nợ phải trả là 8.628 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản tương ứng gần 21.000 tỷ đồng.
VSIP được xem là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Liên doanh này cho đến nay đã thu hút 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động. Các khu công nghiệp đang cho thuê với khoảng 880 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. VSIP hiện có tới 7 khu công nghiệp lớn đang vận hành trên các tỉnh như Nghệ An, Bắc Ninh, Hải Phòng... Ngoài ra, liên doanh này cũng chuẩn bị cho các kế hoạch mở rộng thêm khu công nghiệp mới và hiện hữu hữu, đồng thời cũng phát triển các dự án bất động sản thương mại và khu dân cư.
Năm vừa rồi, VSIP đã bắt đầu huy động vốn bằng trái phiếu với hệ số nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là hơn 0,08. Cụ thể, vào tháng 7/2021, VSIP đã phát hành lô trái phiếu VJVCH 2128001 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất được cố định ở mức 9%/năm. Công ty đã hoàn tất huy động tiền trong tháng 10 và số tiền sẽ được sử dụng để đầu tư vào các dự án VSIP III - Bình Dương và VSIP Nghệ An.
Xếp thứ 2 trong các ông lớn khu công nghiệp công bố kết quả kinh doanh là Tổng công ty cổ phần Phát triển khu Công nghiệp (Sonadezi - UPCoM: SNZ). Năm 2021, doanh thu thuần của Sonadezi đạt 5.199,9 tỷ đồng và lãi ròng mang về 1.500,9 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 5% và 18% so với kết quả năm 2020.
Tính đến cuối quý IV/2021, tổng tài sản Sonadezi tăng 7% so với hồi đầu năm lên 21.980 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản mục chứng khoán kinh doanh ghi nhận 222,2 tỷ đồng mà cùng kỳ năm 2020 chưa có. Công ty thuyết minh đây là khoản đầu tư cổ phiếu TID (CTCP Tổng Công ty Tín Nghĩa) của một công ty con là Sonadezi Giang Điền (mã chứng khoán: SZG).
Nợ phải trả năm 2021 của SNZ cũng tăng 5% lên gần 12.704 tỷ đồng; riêng tổng nợ vay còn 5.100 tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng nợ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 1.642,1 tỷ đồng. EPS đạt 2.378 đồng.
Xếp vị trí thứ 3 trong các ông lớn Khu công nghiệp là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex - HoSE: BCM). Becamex năm vừa rồi lợi nhuận đều vượt VSIP và Sonadezi song năm nay lợi nhuận đã sụt giảm gần 36%.
Trong năm 2021, doanh thu thuần của Becamex tăng 7% so với năm năm 2020, lên gần 6.965 tỷ đồng, chủ yếu vẫn đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, do giá vốn tăng đến 15%, lãi gộp của Công ty gần như đi ngang ở mức 3.226 tỷ đồng.
Một điểm trừ nữa của Becamex là chi phí tài chính tăng 76%, lên hơn 1.043 tỷ đồng, do chi phí lãi vay tăng mạnh và công ty phải lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư. Ngoài ra, khoản lỗ khác của Becamex ghi nhận lỗ gần 472 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi hơn 17 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ này chủ yếu đến từ việc Công ty trích quỹ để ủng hộ các chương trình phòng chống dịch Covid-19.
Hệ quả, lãi ròng lũy kế 2021 của Becamex chỉ đạt 1.272,7 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2020. Với việc kết quả kinh doanh đi lùi so với năm 2020, công ty chỉ thực hiện được lần lượt 79% mục tiêu doanh thu và gần 60% mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Ngược lại, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) lại báo lãi tăng mạnh. Năm 2021, doanh thu thuần và lãi sau thuế doanh nghiệp đạt lần lượt 4.309 tỷ đồng và 955 tỷ đồng, tăng 100% và 199% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2021 là 30.605 tỷ đồng, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Con số này tăng gần 29% so với đầu năm. Phải thu ngắn hạn là 10.861 tỷ đồng, tăng 53%, chiếm hơn 35% tổng tài sản. Nợ vạy của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh. Đến cuối năm 2021, nợ vay của Kinh Bắc City tăng 23% so với đầu năm, lên gần 7.078 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc tăng các khoản nợ vay dài hạn.
Một ông lớn khu công nghiệp khác có thể kể đến là Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC). Năm 2021, kết quả kinh của của IDICO giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất của IDC đạt 4.324 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 576,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 18,9% và giảm 42% so với năm 2020.
Trong một báo cáo mới đây, SSI Research đưa ra dự báo tích cực đối với triển vọng tăng trưởng của IDICO trong năm 2022. SSI cho rằng việc Việt Nam mở cửa trở lại từ 15/3/2022 tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoàn thành các hợp đồng đã ký MOU trước đó, giúp nhu cầu thuế đất tại các khu công nghiệp tăng cao trong ngắn hạn. IDICO mới đây cũng đã có tờ trình cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy lạc quan, với tổng doanh thu mục tiêu 3.347 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu 2.333 tỷ đồng, lần lượt tăng 300% và 183% so với thực hiện năm 2021.