Học sinh lớp 1 ở Hà Nội đến trường ngày 6-4 - Ảnh: NAM TRẦN
Không phải là mùa thu mà đã bắt đầu mùa hạ, tiếng trống trường ở Hà Nội mới gióng lên. Tiếng vọng thân quen từ hồi ức, giờ có chút lạ lẫm, bùi ngùi. Nếu bạn là một người trong cuộc, mắt bạn sẽ cay cay. Rất nhiều cảm xúc ùa đến: vui sướng, lo âu, vừa như cất được gánh nặng lại như có một gánh nặng khó khăn khác được đặt lên vai.
Ở Hà Nội, những trường mầm non, tiểu học đã đóng cửa suốt gần một năm trời. Những xích đu, cầu trượt đọng nước mọc rêu, những cánh cổng đầy gỉ sắt và những bồn cây mọc cỏ hoang. Với nhiều cơ sở mầm non, không có câu từ nào chính xác hơn là một sự hồi sinh đang bắt đầu từ sau quyết định của thành phố cho phép các trường được mở cửa đón học sinh theo phương thức tự nguyện của phụ huynh.
Bởi trong gần hai năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, có nhiều cơ sở mầm non tư thục đã biến mất. Rất nhiều cơ sở khác đang ở bên bờ vực.
"Dù biết có thể chỉ chờ thêm vài tuần hay một tháng nữa nhưng chúng tôi không còn đủ sức nữa, đành phải buông tay", một chủ trường chia sẻ vào cuối tháng 3-2022 sau khi đã chuyển nhượng mặt bằng, thanh lý tài sản. Có người cho biết "giọt nước đã tràn ly" khi cả hiệu trưởng cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Trường mở lại làm gì khi đồ đạc hỏng hóc, từ giáo viên đến hiệu trưởng đã ra đi cả rồi...
Nhưng trong gian khó còn nhiều cơ sở mầm non khác trụ lại. Với họ, chủ nhật này là một ngày không nghỉ. Những cánh cổng được mở ra. Những tấm rèm được cuốn lên. Trong những khuôn viên nhiều tấm thảm, đồ dùng được phơi dưới nắng. Giống như trường tiểu học ở Hà Nội trước đây vài hôm, các trường mầm non dồn lực sửa sang trường lớp để đón trẻ từ 13-4.
Họ đã đi qua một chặng đường gian khó và phía trước vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất của thời "hậu COVID-19". Nhưng dù sao thì đã có ngày trở lại, một ngày xôn xao tiếng nói, cười.
Cô Hoàng Thúy Hằng, quản lý hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội), đã kể: "Không biết bao nhiêu lần trong hai năm qua, tôi là người mở cửa, dắt con vào trường. Tôi tự quét dọn, lau chùi bàn ghế, rồi ngồi nhìn con chạy chơi trong khuôn viên vắng lặng. Tôi chắc là một trong những người đầu tư mở trường mầm non kiên định, nhưng đã có lúc tôi nghĩ đến việc dừng lại vì tuyệt vọng. Nhưng cuối cùng thì cơn bĩ cực cũng đang đi qua".
Chỉ số vượt khó tăng lên qua đại dịch, động lực được hình thành từ sự nhẫn nại chờ đợi và có những điều trước đây bình thường, giờ là giá trị được trân quý hơn. Ví như trân quý với những giáo viên đã trở lại với nghề, trân quý những phụ huynh vẫn tin tưởng trường, trân quý một ngày bình thường khi cánh cổng trường được mở ra để đón trẻ...
Ở cổng một trường mầm non tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hôm qua có một vài phụ huynh đã dắt trẻ đến "thăm lại trường xưa". Chị Hạnh, người mẹ có con 5 tuổi, cho biết: "Đầu năm 2020, khi đó con 3 tuổi được xếp vào lớp mầm. Sau hai năm đại dịch, con tôi đã 5 tuổi. Rất nhiều đứa trẻ như con tôi đã kịp thay vài cỡ áo quần trong thời gian chờ đợi". Điều được nắm giữ sau những chờ đợi, đôi khi như một phần thưởng.
Có lẽ với những người phải nỗ lực vượt qua đại dịch, bao gồm cả những đứa trẻ thì phần thưởng nhiều ý nghĩa nhất là một ngày bình thường, một ngày trẻ được đến trường.
TTO - Ngày 6-4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại Hà Nội đến trường sau gần một năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Với những đứa trẻ lớp 1, lớp 6 thì đây là ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường mới.
Xem thêm: mth.74122942290402202-gnourt-ned-coud-al-gnouht-nahp/nv.ertiout