Một trang trại điện mặt trời của Tập đoàn Sao Mai ở tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: USAID
Ngày 12-4, tại Hà Nội, Dự án an ninh năng lượng đô thị Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát động vòng 3 của chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo "Người kiến tạo năng lượng tương lai".
Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các đơn vị đang cần triển khai thí điểm hoặc trình diễn các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới cho hệ thống năng lượng đô thị phân tán, tiên tiến như điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác tại TP Đà Nẵng và TP.HCM.
Theo thông tin từ Dự án an ninh năng lượng đô thị Việt Nam, nước ta đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh về nhu cầu năng lượng nhằm phục vụ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa với tốc độ gia tăng gần 10% mỗi năm.
Cùng với đó, các đô thị lớn cũng phải đối diện với tình trạng thiếu hụt năng lượng, việc sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng chưa hiệu quả và đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thực tế hiện nay, khoảng 80 - 90% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình.
"Đây là một sự lãng phí rất lớn, gây ra áp lực cao với hệ thống cung cấp năng lượng. Đồng thời, nhiều phương tiện hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí đô thị. Tại TP.HCM, tính đến tháng 9-2020, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành.
Vì vậy, việc phát triển các giải pháp năng lượng đô thị "xanh" là rất quan trọng. Năng lượng tái tạo và các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nếu được áp dụng rộng rãi sẽ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cũng như môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống được cải thiện cho người dân thành phố", ông Nguyễn Tuấn Anh, phó giám đốc Dự án an ninh năng lượng đô thị Việt Nam, chia sẻ.
Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo "Người kiến tạo năng lượng tương lai" hướng tới tài trợ cho hơn 20 dự án thí điểm hoặc trình diễn sản phẩm, mô hình kinh doanh hoặc mô hình tài chính mới cho hệ thống năng lượng đô thị phân tán, tiên tiến. Các tổ chức tham gia sẽ có cơ hội nhận tài trợ lên đến 100.000 USD mỗi dự án.
Theo chia sẻ từ dự án, sau vòng đầu tiên, chương trình đã hỗ trợ cho 5 dự án bao gồm: Hệ thống pin lưu trữ năng lượng; Hệ thống lưu trữ lạnh; Hệ thống điều khiển cụm máy nén khí thông minh; Bộ đo đếm điện sinh thái; Ứng dụng điện thoại di động khuyến khích người dùng sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Hiện tại, chương trình kêu gọi các dự án thí điểm hoặc trình diễn tham gia nộp đề án vòng 3, thời gian nhận hồ sơ đến ngày 27-5.
TTO - Cho rằng miền Bắc đứng trước nguy cơ thiếu điện vào một số thời điểm, đặc biệt là cao điểm nắng nóng trong khi các nhà máy nhiệt điện thiếu than, EVN đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở miền Bắc.