Dự báo này là một trong những nội dung trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Ngân hàng Standard Chartered công bố. Mức lạm phát này tăng cao so với con số 1,84% vào năm ngoái. Các yếu tố về nguồn cung sẽ mang đến rủi ro làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị. Trong khi đó, kết quả dự báo từ giữa tháng 2 của HSBC lạc quan hơn khi đánh giá lạm phát Việt Nam năm nay có tăng lên mức 3% - vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ.
Standard Chartered thậm chí dự báo lạm phát lên cao hơn cho năm kế tiếp - ở mức 5,5%. Điều này theo nhà băng lý giải, trong trung hạn, các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát đến từ nguồn cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Bên cạnh dự báo kém lạc quan về lạm phát, Ngân hàng Standard Chartered đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 khi các chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng.
Standard Chartered đánh giá, quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối quý II khi nhu cầu nội địa và lĩnh vực du lịch khởi sắc. Tuy nhiên vẫn có những rủi ro ngắn hạn liên quan đến sự phục hồi của lĩnh vực du lịch và rủi ro từ dịch bệnh.
Chính phủ đã dỡ bỏ quy định về cách ly cho khách quốc tế đến Việt Nam kể từ giữa tháng 3. Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá, việc mở cửa lĩnh vực du lịch, (vốn đóng góp 10% vào GDP) sẽ là yếu tố cần được quan sát và đánh giá sát sao trong quý II, sau 2 năm phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Với đồng Việt Nam (VND), Ngân hàng vẫn duy trì đánh giá tích cực đối, nhờ sự hỗ trợ của cán cân thanh toán. Việt Nam có thể tiếp tục đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay khi lĩnh vực du lịch phục hồi, mặc dù giá cả hàng hóa tăng cao. Ngân hàng dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ đạt 22.300 đồng vào cuối năm 2022 và 22.000 đồng vào cuối năm 2023.
Nói về dòng vốn FDI, chuyên gia của Standard Chartered đánh giá Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mặc dù có những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và tình hình dịch bệnh.
Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã bắt đầu tăng lên năm nay sau khi suy giảm trong năm 2021. Standard Chartered kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu và thiết bị điều hòa không khí.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng.
"Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất của khu vực trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày," ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết thêm.
Quỳnh Trang