Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh mức giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, tăng trung bình 3,7% so với khung giá hiện hành.
Cụ thể, đường bay 500-850 km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tăng 2,2%). Cự ly 850-1.000 km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (tăng 3,5%). Đường bay 1.000-1.280 km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (tăng 6,2%). Cự ly 1.280 km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tăng 6,6%).
Theo Cục Hàng không, việc điều chỉnh khung giá vé máy bay do giá nhiên liệu tăng đột biến từ đầu năm 2022. Cuối tháng 3, khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.
Cục Hàng không tính toán, giả định tỷ trọng nhiên liệu chiếm 39% tổng chi phí thì chi phí nhiên liệu tháng 4 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015.
Cơ quan này nhận định, bối cảnh các hãng hàng không liên tục chịu sức ép chi phí khi biến động giá Jet A1 tăng cao, chưa kịp phục hồi do dịch Covid-19, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội cần được xem xét, điều chỉnh tăng cho phù hợp.
Hiện nay giá trần vé máy bay được áp dụng từ năm 2015. Tháng 9/2015, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm từ 84,5 USD/thùng xuống còn 61,6 USD/thùng. Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.
Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 17 với mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tiếp tục được giữ nguyên theo mức quy định năm 2015.
Tháng 3 vừa qua, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tăng giá trần vé máy bay và phụ thu nguyên liệu cho chặng nội địa.
Theo doanh nghiệp, mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17 năm 2019 đã không còn phù hợp. Giá dịch vụ vận chuyển khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường.
Anh Duy