Tổng thư ký của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cảnh báo các quan chức EU vào hôm thứ Hai rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại và trong tương lai có thể gây ra một trong những cú sốc về nguồn cung dầu tồi tệ nhất trong lịch sử.
Ông giải thích rằng khoảng 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Nga đang "dứt áo ra đi" khỏi thị trường thế giới do các lệnh cấm vận và các hạn chế khác đối với hoạt động thương mại của Nga.
Quan chức OPEC cũng nói với EU rằng sự biến động hiện nay trên thị trường là do "các yếu tố không cơ bản" nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC. EU có trách nhiệm thúc đẩy cách tiếp cận "thực tế" đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Khối này đã công bố kế hoạch tham gia cùng với Mỹ và Anh trong việc thực hiện lệnh cấm vận đối với các sản phẩm năng lượng của Nga. Tuy nhiên, không giống như Mỹ và Anh, EU nhập khẩu phần lớn nguồn cung năng lượng từ Nga và các chuyên gia đã cảnh báo rằng việc cố gắng cắt nguồn cung có thể dẫn đến kết quả thảm khốc.
Đặc biệt, Đức lo ngại về nguy cơ sụp đổ của toàn bộ ngành công nghiệp nước này khi thiếu năng lượng Nga. Trong khi người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ OMV của Áo đã tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ không thể từ bỏ việc mua khí đốt của Nga.
Trong khi Mỹ đã hứa sẽ đẩy mạnh và lấp đầy sự thiếu hụt bằng việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn của mình, hầu hết các kho cảng LNG của châu Âu đã hoạt động hết công suất, có nghĩa là sẽ không còn chỗ để dự trữ nhiên liệu nữa. Các quốc gia khác đang mong muốn tận dụng cuộc khủng hoảng này như một cơ hội để thúc đẩy việc phát triển nhiên liệu tái tạo.
Tuy nhiên, vào tuần trước, Nghị viện châu Âu đã yêu cầu một lệnh cấm vận ngay lập tức và toàn bộ đối với nhập khẩu dầu, than, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hạt nhân của Nga. Một số quốc gia, chẳng hạn như Hungary và Slovakia, đã tuyên bố rõ ràng rằng họ có kế hoạch bỏ qua lệnh cấm vì lợi ích tự bảo vệ mình. Trong khi đó, một số quốc gia khác đã cảnh báo công dân của họ thắt lưng buộc bụng và sẵn sàng cho những khoảng thời gian khó khăn phía trước.
Dầu và khí đốt không phải là mặt hàng duy nhất bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Nga và Ukraine cùng sản xuất khoảng một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới và cả hai quốc gia này cũng là những nhà xuất khẩu lớn về dầu hướng dương và phân bón. Do đó, giá lương thực đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, và nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ đang cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực trong tương lai gần.
http://tintuc.vdong.vn/04/1310999.htmXem thêm: nhc.25582127121402202-agn-auc-uad-ohc-eht-yaht-us-oc-gnohk-cepo/nv.fefac