Vitol Group – tập đoàn kinh doanh dầu mỏ độc lập lớn nhất thế giới, dự định sẽ ngừng hoàn toàn việc buôn bán dầu thô và các sản phẩm có xuất xứ từ Nga vào cuối năm nay.
Theo đại diện của Vitol, khối lượng dầu của Nga mà Vitol xử lý "sẽ giảm đáng kể trong quý II khi các hợp đồng tương lai hiện tại giảm dần". Ngoài ra, họ cũng có ý định ngừng kinh doanh dầu thô và các sản phẩm của Nga trừ khi có thông báo khác. Họ dự định kế hoạch này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022.
Công ty có trụ sở tại Geneva nhắc lại rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ giao dịch nào liên quan đến dầu thô và các sản phẩm của Nga. Công ty nhấn mạnh, kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, những hợp đồng của họ với quốc gia này đã được ký kết từ trước đó.
Thông báo mới của Vitol được đưa ra sau khi cố vấn của Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskiy, gửi thư đến ban lãnh đạo của Vitol và các hãng kinh doanh dầu khác, yêu cầu họ chấm dứt các thương vụ với ngành nhiên liệu hóa thạch của Nga. Mục đích là để cắt nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự.
Hiện tại, các doanh nghiệp trên khắp thế giới đã phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các chính phủ và cổ đông trong việc thúc giục họ tách rời Moscow. Các tập đoàn dầu khí lớn như BP, Shell và ExxonMobil đã công bố kế hoạch loại bỏ cổ phần trong các khoản đầu tư liên quan đến Nga và tạm dừng giao dịch với quốc gia này. Trong khi đó, nhiều ngân hàng châu Âu đã hạn chế tài trợ thương mại cho các loại hàng hóa của Nga.
Trong khi đó, Mỹ đã ban hành lệnh cấm đối với các sản phẩm năng lượng của Nga, nhưng châu Âu vẫn tiếp tục nhập khẩu mặt hàng này. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc cũng tiếp tục mua dầu của Nga, trực tiếp từ Moscow hoặc thông qua các tập đoàn thương mại. Ấn Độ đã bắt đầu đặt ra câu hỏi về lợi nhuận của các trader buôn bán dầu kiếm được, khi nói rằng mức giá mua vào đắt hơn mức chào bán.
Các công ty thương mại thuộc sở hữu tư nhân như Vitol và Trafigura Group, Glencore cho đến nay vẫn tiếp tục nhập và bán dầu thô của Nga kể từ khi chiến dịch quân sự được triển khai vào cuối tháng 2.
Các công ty thương mại đôi khi ký hợp đồng dài hạn hoặc trả trước với các nhà sản xuất như Rosneft của Nga để mua và nhập một lượng dầu nhất định hàng tháng. Ngoài ra, họ cũng mua và bán hàng hóa hàng ngày trên thị trường giao ngay. Glencore và Trafigura đầu tuần này thông báo họ vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch dài hạn của mình. Tuy nhiên, Glencore thông báo họ không có thương vụ nào mới với Nga, còn Trafigura nói rằng họ cũng giảm lượng hàng hóa nhập từ Nga.
Tháng trước, CEO của Vitol - Russell Hardy, nói rằng công ty này đã ngừng ký kết các hợp đồng giao ngay tại Nga nhưng vẫn thực hiện các hợp đồng dài hạn. Họ đang chờ đợi để đưa ra quyết định về việc liệu có nên thoái vốn trong dự án dầu khí Vostok thuộc sở hữu của Rosneft hay không.
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/04/1311900.htm