Doanh thu lớn nhưng lợi nhuận "bèo bọt"
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, Công ty cổ phần Bia Hà Nội Thanh-Hóa (Bia Thanh Hóa) dù có mức doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (doanh thu) lên tới nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận) ghi nhận chỉ hơn 5,6 tỷ đồng.
Theo đó, trong năm tài chính 2021, bia Thanh Hóa đã ghi nhận hơn 1.308 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong đó, giá vốn hàng bán chiếm hơn 1.127 tỷ đồng, chi phí bán hàng gần 120 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 42 tỷ đồng, hơn 10 tỷ đồng các khoàn giảm trừ doanh thu và các chi phí khác... đã bào mòn lợi nhuận của bia Thanh Hóa xuống còn vỏn vẹn hơn 5,6 tỷ đồng.
Khi so sánh với doanh thu năm 2020, thì trong năm 2021 bia Thanh Hóa đã ghi nhận mức giảm gần 100 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận trong năm 2021 lại ghi nhận tăng gần 2,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, từ mức hơn 3 tỷ đồng lên hơn 5,6 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, sự trái ngược này với nguyên nhân chủ yếu do trong kỳ bia Thanh Hóa đã cắt giảm hơn 23 tỷ đồng chi phí bán hàng, từ mức hơn 142 tỷ đồng xuống còn hơn 119 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức giảm hơn 2,5 tỷ đồng.
Về một số các chỉ tiêu hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp, tính tới ngày 31/12/2021, bia Thanh Hóa có tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 3,7%, trong đó, vốn chủ sở hữu bia Thanh Hóa đạt hơn 149,3 tỷ đồng; tỷ suất lợi tức trên tài sản (ROA) đạt khoảng 1,8%, trong đó, tổng tài sản của bia Thanh Hóa đạt hơn 308 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) chỉ đạt khoảng 0,4%.
Cũng theo tìm hiểu của người viết, đây cũng không phải lần đầu bia Thanh Hóa ghi nhận mức doanh thu "khủng" nhưng lợi nhuận lại "bèo bọt".
Cụ thể, trong năm 2018, bia Thanh Hóa ghi nhận hơn 611 tỷ đồng doanh thu và hơn 5,8 tỷ đồng lợi nhuận; năm 2019 là 1.174 tỷ đồng doanh thu và 15,4 tỷ lợi nhuận; năm 2020 là 1.414 tỷ đồng và 3,07 tỷ đồng lợi nhuận.
Ngoài ra, cũng theo BCTC hợp nhất, dù là công ty mẹ nhưng trong tổng số 1.300 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ được ghi nhận trong kỳ của bia Thanh Hóa chủ yếu lại tới từ công ty TNHH MTV Habeco Miền Trung (công ty con duy nhất của Bia Thanh Hóa), với hơn 1.000 tỷ đồng.
Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa là doanh nghiệp có truyền thống lâu đời hoạt động trong lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, với tiền thân là Nhà máy bia Thanh Hóa, được thành lập trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng xí nghiệp Rượu-Bia-Nước ngọt (thuộc sở Thương nghiệp Thanh Hóa) và Xí nghiệp chế biến mỳ Mật Sơn (thuộc công ty Liên hiệp lương thực tỉnh Thanh Hóa).
Sau nhiều lần chuyển đổi, tới ngày 6/5/2003, công ty Bia Thanh Hoá trở thành thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội. Tháng 11/2018, công ty đổi tên thành công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa. Tới ngày 19/8/2008, công ty Bia Thanh Hóa chính thức niêm yết giao dịch trên sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán THB.
Những lợi thế so sánh
Theo tìm hiểu, Bia Thanh Hóa được biết tới là doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất bia chất lượng cao, nhập khẩu đồng bộ cùng dây chuyền chiết bia chai hiện đại. Trong nước, Công ty này có nhiều đơn hàng lớn của các đối tác hợp tác sản xuất, cùng các đơn hàng bia xuất khẩu đi Nam Phi, Singapore, Thái Lan và các đối tác tiềm năng như Nhật, úc,... doanh thu lên tới nghìn tỷ đồng.
Bia Hà Nội-Thanh Hóa là công ty có vốn Nhà nước bởi, Bia Hà Nội nắm 55% cổ phần bia Hà Nội- Thanh Hóa. Trong khi đó, Bộ Công Thương nắm 81,79% cố phần của bia Hà Nội.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đàm Quang Tiến, Trưởng phòng Môi giới công ty chứng khoán Mirea Asset cho biết, Bia Thanh Hóa có nhiều thuận lợi để có thể phát triển sản xuất kinh doanh được hiệu quả, cụ thể cơ bản như việc, Bia Thanh Hóa được biết đến là doanh nghiệp lâu đời trong lĩnh vực bia chuyên hoạt động trong khu vực miền Trung. Đồng thời, bia rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia lĩnh vực này nhưng gặp nhiều rào cản về mặt giấy phép.
Khi so sánh hiệu quả của Bia Thanh Hóa với các doanh nghiệp cùng ngành, cùng quy mô với mức doanh thu năm 2021 quanh mốc 1.000 tỷ đồng là công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) và công ty CP Bia và nước giải khát Hạ Long (HLB) sẽ thấy, mặc dù tạo ra doanh thu tương đương nhau, nhưng lợi nhuận của 3 doanh nghiệp trên lại có mức chênh lệch lớn. Khi 2 doanh nghiệp trên đều có mức lợi nhuận gần trăm tỷ thì THB lại có mức lợi nhuận tương đối thấp.
Nguyên nhân của việc này chủ yếu là do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của THB đang cao hơn so với SMB và HLB.
"Rõ ràng, so sánh với doanh nghiệp cùng ngành thì THB đang làm ăn chưa được hiệu quả. Doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ mà lợi nhuận các năm gần đây chỉ loanh quanh từ vài tỷ đến hơn chục tỷ. Trong khi các doanh nghiệp cùng quy mô lợi nhuận tốt hơn hẳn do họ quản trị chi phí tốt hơn", ông Tiến cho biết.
Tính đến hết phiên giao dịch ngày 8/4/2022, giá đóng cửa của THB là 16,2 nghìn đồng/cổ phiếu; SMB là 41,8 nghìn đồng/cổ phiếu; HLB là 268,9 nghìn đồng/cổ phiếu.
Việt Phương